Lâm Bình thực hiện dự án phát triển chăn nuôi dê theo hướng nông nghiệp sạch liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm

Căn cứ Quyết định số 282 của UBND tỉnh Tuyên Quang ngày 19/3/2018, về việc phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2018-2020.

Vừa qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Bình đã tổ chức bàn giao Dê sinh sản từ Dự án Hỗ trợ phát triển chăn nuôi Dê theo hướng nông nghiệp sạch liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Thực hiện tại 7 xã: Gồm các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên, Lăng Can, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Đến thời điểm này UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bàn giao được 42 con dê đực giống và Dê cái giống cho 5 hộ gia đình tại các thôn Nà Hu, Nà Kẹm, Nà Thom, Hợp Thành, Nà Thảng xã Khuôn Hà và 5 hộ gia đình ở thôn Bản Bó xã Thượng Lâm. Theo đó Dê đực giống phải có trọng lượng 40kg, Dê cái giống có trọng lượng 30kg, với mỗi 1 nhóm hộ được nhận 1 Dê đực giống và 4 con dê cái giống từ dự án.

Các hộ gia đình tham gia thực hiện dự án nhận dê giống

Thực hiện dự án phát triển chăn nuôi dê theo hướng nông nghiệp sạch liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; trên địa bàn huyện Lâm Bình có 102 hộ nhóm hộ tham gia. Trong đó năm 2018, hỗ trợ 34 hộ; năm 2019 hỗ trợ 35 hộ và năm 2020 hỗ trợ 33 hộ. Các hộ và nhóm hộ được các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ mua dê giống sinh sản; mở lớp tập huấn kỹ thuật phòng, trị bệnh và chăn nuôi dê cho các hộ tham gia thực hiện dự án. Tổng kinh phí thực hiện là gần 8 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí các hộ dân đối ứng trên 3 tỷ 5 trăm triệu đồng. Kinh phí Nhà nước hỗ trợ trên 4 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí thực hiện quy trình chăn nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dê núi Thổ Bình là đầu tư hỗ trợ 1 kho bảo quản, 1 máy hút chân không, cụ thể: Chi phí hỗ trợ thực hiện dự án gần 4 tỷ  đồng. Chi phí tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trên 74 triệu đồng. Chi phí lập, thẩm định, quản lý: trên 250 triệu đồng.  

Xác định phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa sẽ góp phần giúp huyện thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; những năm gần đây cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng Nhà nước. Đã thành lập các tổ hợp tác thực hiện các chuỗi chăn nuôi dê, bò, lợn đen, dê do dự án TNSP, từ đó đã khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng chuồng trại, tín chấp với các ngân hàng cho nhân dân vay vốn với lãi suất thấp, kết hợp hỗ trợ con giống để người dân ổn định phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại. Cùng với đó, huyện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động hướng dẫn các xã quy định cụ thể vùng chăn thả tại các thôn, bản nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình tập trung phát triển chăn nuôi, mà không làm ảnh hưởng đến hoa màu, diện tích rừng của người dân. Bên cạnh đó, để chăn nuôi phát triển đạt hiệu quả cao các xã cần chú trọng đẩy mạnh phát triển các loại cây lương thực như; ngô, sắn và trồng thêm cỏ voi... để dự trữ thức ăn trong chăn nuôi; từ đó phương thức chăn nuôi đã chuyển dần từ chăn thả truyền thống sang kết hợp với bổ sung thức ăn tại chuồng, nhất là trong mùa đông giá rét.

Nhờ có sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, sự năng động nhạy bén của các hộ dân, đến nay huyện vùng cao Lâm Bình đã có nhiều gia trại, trang trại chăn nuôi có hiệu quả mang lại thu nhập khá từ chăn nuôi giúp các hộ vươn lên phát triển kinh tế xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục