Lâm Bình quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện

Huyện Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng cho nơi đây hệ sinh thái đa dạng, với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong vùng. Bên cạnh đó, diện tích mặt nước hồ sinh thái Lâm Bình - Na Hang rộng trên 8.000 ha, trong đó Lâm Bình có trên 4.000 ha đã trở thành một vùng hồ rộng lớn với nhiều cảnh quan đẹp. Vì vậy, huyện đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch nhằm huy động các nguồn lực thu hút đầu tư tập trung vào các xã Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên và khu vực lòng hồ sinh thái. Tập trung phát triển và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng homestay, khuyến khích phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch như: các dịch vụ trải nghiệm, quà lưu niệm…

Thác Khuổi Nhi đón hằng nghìn lượt khách mỗi tuần vào dịp nghỉ hè

Trong nhiệm kỳ, huyện Lâm Bình đã kết nối trên 200 công ty du lịch, lữ hành du lịch đến khảo sát, xây dựng sản phẩm, kết nối tour du lịch. Tiêu biểu như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Năm Sao; Công ty Sao Nam Việt (Hà Nội); Công ty TNHH Du lịch Non nước Lâm Bình kết nối tour đưa khách du lịch đến tham quan, du lịch; Công ty ETHOS (Sa Pa) kết nối tour dành riêng cho khách du lịch người nước ngoài, thường xuyên đưa khách du lịch người nước ngoài đến huyện. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Trong nhiệm kỳ đã có thêm 8 hộ, 1 Hợp tác xã đăng ký cung cấp dịch vụ du lịch homestay, nâng tổng số hộ tham gia dịch vụ du lịch toàn huyện lên 24 hộ.

Du lịch cổng đồng homestay đã tạo được ấn tượng tốt đối với du khách trong và ngoài nước

Kinh tế du lịch có nhiều khởi sắc, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Nổi bật là, thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng (Homestay) từng bước trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế; thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và các sản phẩm du lịch của địa phương, tạo hiệu ứng tốt với du khách, các nhà đầu tư và các công ty lữ hành du lịch. Tích cực vận động, khuyến khích Nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện phát triển các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách; sản xuất, chế tác quà lưu niệm, nuôi trồng cây, con đặc sản phục vụ du khách.

Khách du lịch hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các điểm homestay

Chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, trọng tâm là, phục dựng, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, trang phục, ẩm thực, các di tích, danh lam, thắng cảnh. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng được một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch cộng đồng (Homestay); tham quan, trải nghiệm khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình; Lễ hội Lồng Tông và ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình, Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn,...Khách du lịch đến huyện tăng nhanh, từ khoảng 10.000 lượt khách, doanh thu xã hội khoảng 4 tỷ đồng năm 2015 lên trên 120.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng năm 2019.

Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn đã thu hút sự quan tâm khám phá của du khách

Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu thu hút trên 161 nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. Để đạt được chỉ tiêu trên, Đảng bộ huyện đã xác đinh phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện là một trong hai khâu đột phá của huyện trong nhiệm kỳ mới. Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, thời gian tới các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ tập trung tham mưu cho UBND huyện lập quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, trọng tâm là xây dựng bến thủy, giao thông kết nối các vùng có tiềm năng, các danh lam thắng cảnh ở khu vực hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, xây dựng làng văn hóa du lịch ở những nơi có điều kiện.

Bến thuyền khu vực thác Khuổi Nhi gần như quá tải vào những thời điểm đông khách du lịch

Xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm, các tour du lịch đặc trưng của huyện như: Du lịch cộng đồng (Homestay); du lịch trải nghiệm, khám phá hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình; khám phá hang động, thác nước ven hồ, rừng nguyên sinh; trải nghiệm lễ hội Lồng Tông, lễ hội Nhảy lửa. Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch sức khỏe, du lịch thực nghiệm. Khôi phục các làng nghề thủ công mây, tre, thổ cẩm theo hướng vừa sản xuất, chế tác quà lưu niệm, vừa để du khách tham quan, trải nghiệm. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch và các sản phẩm du lịch của địa phương, nhất là di sản“Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình”. Đẩy mạnh xúc tiến, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác tài nguyên, sản phẩm du lịch, ưu tiên du lịch cộng đồng, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải khách du lịch... Chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tổ chức, địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, trọng tâm là: huyện Na Hang, Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; huyện Vị Xuyên, Bắc Mê, tỉnh Hà Giang và huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, các công ty lữ hành,...

Lễ Hội Lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm đã thu hút hằng nghìn lượt nhân dân và du khách đến thăm quan, trải nghiệm

Đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở địa phương xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, nhất là các di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh, các lễ hội, phong tục, tập quán, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực đặc sắc. Tăng cường bảo vệ, chỉnh trang cảnh quan, môi trường sinh thái, trồng bổ sung cây xanh, hoa, cây lá màu, nhất là ở các khu dân cư, các tuyến đường giao thông, các khu dịch vụ, các khu, điểm du lịch, khu vực hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Xây dựng “Không gian du lịch Lâm Bình sạch - xanh - đẹp - an toàn”.

Vẻ đẹp của khu vực hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình sẵn sàng chào đón du khách

Với những giải pháp trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện của địa phương, cùng với sự quan tâm thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển du lịch, tin chắc rằng du lịch Lâm Bình sẽ phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện trong thời gian tới.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục