Lâm Bình gắn phát triển du lịch với gìn giữ văn hóa truyền thống, thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Nắm bắt được tiềm năng du lịch sẵn có, ngay từ khi mới thành lập, huyện Lâm Bình đã có chủ trương phát huy lợi thế các danh thắng địa phương, khai thác giá trị đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện cho mục tiêu phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo.

  Lựa chọn những thôn bản có điều kiện giao thông và cơ sở hạ tầng phù hợp, có không gian, cảnh quan kiến trúc truyền thống, thuận lợi, chính quyền địa phương định hướng, vận động, hỗ trợ và tư vấn cho người dân phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch, trọng tâm là các sản phẩm du lịch cộng đồng homestay. Hiện nay, mô hình du lịch này đã ngày càng thu hút đông du khách đến với Lâm Bình. Gia đình bà Triệu Thị Sướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm là một trong những hộ gia đình làm du lịch cộng đồng homestay đầu tiên trong huyện. Trước đây gia đình bà chỉ làm nông nghiệp, ở vùng cao ít ruộng nên kinh tế gia đình khó khăn lắm. Từ ngày chính quyền hướng dẫn làm thêm du lịch homestay, mỗi tháng đều có đoàn khách đến thăm quan, sử dụng dịch vụ ăn nghỉ tại gia đình, từ đó đã tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Nhiều ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, đã được bà con chỉnh trang để phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách.

  Ở những thôn bản làm dịch vụ du lịch cộng đồng, đội văn nghệ thôn cũng tham gia biểu diễn phục vụ du khách, kiếm thêm việc làm, thu nhập. Đây cũng là một sản phẩm du lịch vừa khai thác lợi thế đa dạng văn hóa của hơn 10 dân tộc sinh sống trên địa bàn, đồng thời góp phần tuyên truyền cho bà con nhận thức được giá trị của văn hóa truyền thống và cùng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị của chính những di sản văn hóa ấy. “Trước đây, hát then, hát cọi của đồng bào Tày; nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn chỉ được biểu diễn trong các dịp lễ hội truyền thống. Nay cùng với mục tiêu phát triển du lịch, một số nghệ nhân hát then, hát cọi, đánh đàn tính, lập thành đội văn nghệ để cùng hát giao lưu với du khách, các bạn trẻ cũng theo để học hát, học đàn. Theo đó nhiều nét văn hóa truyền thống riêng có của đồng bào các dân tộc trên địa bàn cũng từng bước được khơi dậy và phát huy. Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống bản địa, huyện Lâm Bình còn chú trọng phát triển và tái tạo các giá trị văn hóa của các dân tộc đã bị mai một, hướng dẫn người dân làm du lịch một cách bền vững để phát triển kinh tế ở địa phương, xóa đói giảm nghèo”.

Nhiều sản phẩm đặc trưng, mang giá trị văn hóa truyền thống đã được các hộ trưng bầy để phục vụ du khách tham quan

  Thực tế cho thấy, mặc dù mới được hình thành, xong loại hình du lịch cộng đồng ở Lâm Bình đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách. Tuy nhiên qua một thời gian xây dựng và phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch Homestay, cũng đã nẩy sinh một số vấn đề, trước hết là việc ngôn ngữ bất đồng, mọi trao đổi đều phải qua phiên dịch của các Đoàn khách lớn, còn với những đoàn khách lẻ nước ngoài việc trao đổi thông tin hết sức khó khăn, bên cạnh đó người dân, chưa thực sự được hướng dẫn làm du lịch một cách bài bản, vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa bền vững, quan trọng hơn là việc quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch, chỉ khi giải quyết được vấn đề này, du lịch Lâm Bình mới thực sự trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của địa phương.

T/h: Chí Cường – Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục