Bế mạc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII

Ngày 7/12, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII tiếp tục làm việc và bế mạc.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Minh Huấn, Phó Bí  thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Kim Long, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, đại diện các ban Đảng Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan Trung ương ở địa phương; thường trực HĐND, các ban HĐND, UBND các huyện, thành phố; thường trực HĐND 141 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.  Ảnh: Việt Hòa

Kỳ họp đã thảo luận, thông qua các dự thảo nghị quyết: Quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung Điều 1 Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày 26/7/2017 của HĐND tỉnh về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm; phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2019.

Tại kỳ họp, diễn ra phiên chất vất và trả lời chất vấn. Trước câu hỏi của đại biểu về việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên phần diện tích đất do các Công ty lâm nghiệp, công ty chè trả lại địa phương, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Trần Văn Chiến đã trả lời: Thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới nông lâm trường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã thu hồi đất của 13 đơn vị nông lâm trường trả lại địa phương là 24.508 ha, tuy nhiên có khoảng 7.347 ha đất không giao được cho hộ gia đình, cá nhân (bao gồm diện tích rừng tự nhiên sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất xây dựng công trình công cộng..., đất còn vướng mắc về tài sản của công ty nông, lâm nghiệp). Diện tích còn lại 17.161 ha rà soát để lập phương án, hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân. Hiện nay tổng diện tích chưa giao, chưa cấp giấy chứng nhận được cho nhân dân là 12.716 ha do diện tích đất các nông lâm trường trả lại địa phương nằm rải rác trên địa bàn nhiều xã, địa hình phức tạp nhưng chưa được đo đạc lập bản đồ địa chính; nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở có nguồn gốc của công ty nông, lâm nghiệp do lấn chiếm nhưng các cơ quan quản lý, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa xử lý vi phạm, được giao không đúng thẩm quyền, sử dụng đất sai mục đích... Sở cũng đã đề ra một số giải pháp tiếp tục thực hiện, như: gồm đôn đốc UBND các huyện, thành phố rà soát diện tích đất “sạch” do Công ty nông lâm nghiệp trực tiếp sử dụng đã trả lại cho địa phương và lập phương án giao đất, trong đó ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Về thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại huyện Sơn Dương, hiện đã hoàn thiện hồ sơ và tổ chức thẩm định 57.885 hồ sơ, cấp được 28.204 giấy/57.885 hồ sơ, còn 29.681 hồ sơ thẩm định không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, Sở đã phối hợp với UBND huyện Sơn Dương chỉ đạo các xã niêm yết công khai nguyên nhân và trả lời các ý kiến của nhân dân. Sở tiếp tục phối hợp với huyện để giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong thời gian tới.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn phát biểu tại kỳ họp.  Ảnh: Việt Hòa

Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu về việc chậm cấp phần kinh phí chưa thực hiện tự chủ cho các cơ sở y tế công lập chưa thực hiện tự chủ 100% về kinh phí chi thường xuyên, Giám đốc Sở Tài Chính Hà Trung Kiên trả lời: Để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 của HĐND tỉnh. UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, Sở Tài chính đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc việc xây dựng phương án tự chủ về tài chính. Tuy nhiên việc xây dựng phương án tự chủ về tài chính đối với các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh còn chậm, đặc biệt là các cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến huyện. Do đó tại thời điểm hiện nay, chưa có cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tự chủ về tài chính, vì vậy chưa đủ cơ sở để hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập tự đảm bảo được một phần chi thường xuyên. Ngân sách tỉnh đảm bảo kinh phí chi thường xuyên thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 và Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ theo đúng quy định.

Trả lời cầu hỏi của đại biểu: Lý do vì sao các đô thị nhất là các thị trấn huyện lỵ, trong đó có những thị trấn hình thành đã lâu, được quy hoạch nâng cấp lên đô thị loại IV và thành thị xã nhưng đường, phố và công trình công cộng đến nay chưa được đặt tên, nhà của nhân dân, cơ quan đơn vị chưa được đánh số và gắn biển số; trách nhiệm, giải pháp thực hiện việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, đánh số và gắn biển số nhà ở các đô thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Thực trả lời: Do từ năm 2011 đến nay, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố Tuyên Quang diễn ra nhanh, nhiều tuyến phố được xây dựng, mở rộng thêm, kéo dài, dẫn đến việc đặt tên đường, phố, số nhà còn chưa kịp thời. Bên cạnh đó, công tác tham mưu của các cấp chính quyền có lúc, có nơi còn chưa kịp thời; một số địa phương triển khai xây dựng công trình công cộng chưa thực hiện nghiêm việc tham mưu, đề xuất đặt tên đường, phố công trình công cộng theo quy định; công tác quy hoạch hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng bộ; công tác nghiên cứu, khảo sát, kiểm kê, rà soát việc đặt, đổi tên đường phố trên toàn địa bàn tỉnh còn có hạn chế. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền việc chấp hành việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng việc đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tiến hành cuộc tổng kiểm kê, rà soát lại việc đổi, đặt tên đường phố trên toàn địa bàn tỉnh làm cơ sở khoa học và thực tiễn trước khi thực hiện; ban hành quy định đặt tên, đổi tên đường, phố trên địa bàn tỉnh; ban hành Ngân hàng tên đường, phố, công trình công cộng…

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Thực còn trả lời câu hỏi về thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; việc ủy quyền công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Đồng chí cho biết giải pháp tháo gỡ vướng mắc của tỉnh trong thời gian tới là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, trong đó tập trung vào hướng dẫn việc thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức xã tham gia ban quản lý dự án; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành xây dựng; làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể đối với những vi phạm trong quản lý chất lượng công trình xây dựng; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý; trường hợp giao công trình cho xã làm chủ đầu tư nhưng điều kiện năng lực không đảm bảo theo quy định thì phải thuê Ban quản lý dự án khu vực hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành để quản lý dự án theo đúng quy định.

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Việt Hòa

Kết luận phiên chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện khẩn trương có sự rà soát, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát để khắc phục những hạn chế trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nghiên cứu, ban hành quy định về việc đặt tên, đổi tên đường phố, công trình công cộng, đánh số nhà, gắn biển số nhà tại khu vực đô thị; khẩn trương phê duyệt phương án tự chủ cho các cơ sở y tế công lập. Đồng chí yêu cầu, các cấp, ngành xác định rõ trách nhiệm, vướng mắc ở khâu nào thì UBND tỉnh, các sở, ngành trao đổi, bàn bạc để giải quyết dứt điểm những hạn chế đại biểu nêu.

Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại kỳ họp và nhấn mạnh UBND tỉnh sẽ bổ sung vào báo cáo của UBND tỉnh đẩy đủ các giải pháp. Trong đó tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng thu ngân sách địa phương; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt các giải pháp để phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ.... Ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh yêu cầu các lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của HĐND tỉnh tại các báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và thực hiện đầy đủ, trách nhiệm những lời hứa tại phiên chất vấn.

Phát biểu kết luận kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị, ngay sau kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri, thực hiện tốt hơn vai trò và trách nhiệm, quyền hạn của người đại biểu để bảo đảm các nghị quyết của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau hơn 3 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII đã bế mạc và thành công tốt đẹp.

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục