Độc đáo nghệ thuật vẽ sáp ong lên vải của người Mông

Đối với người phụ nữ Mông ở xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong là một nghề thủ công truyền thống được giữ gìn, phát huy qua nhiều thế hệ.

Chị Giàng Thị Quang, thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình chia sẻ: Họa tiết trên nền vải tượng trưng cho người Mông sinh sống trên nhừng quả đồi cao, tuy vất vả nhưng vẫn đẹp như những bông hoa, đẹp như những thửa ruộng bậc thang. Vẽ sáp ong lên trên vải lanh là một nghệ thuật rất tinh tế, đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo từ đôi tay và trí tưởng tượng của người đàn ông và phụ nữ Mông. Người Mông dùng sáp ong để vẽ là bởi sau khi hoàn thành, cả tấm vải sẽ đem đi nhuộm chàm. Chỗ không có sáp ong sẽ được nhuộm thành màu chàm đen. Còn chỗ có sáp ong, chàm không thấm vào được. Sau đó, người Mông nấu chảy sáp ong đi, những hoa văn được vẽ bằng sáp ong sẽ trở thành màu trắng xanh, làm nổi bật trang phục. Khi bắt đầu vẽ sáp ong lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao từ 70-80 độ C để sáp không bị khô. Bút đồng để vẽ được thiết kế hết sức đặc biệt. Cán bút được làm bằng thanh tre. Ngòi bút là 3 thanh đồng được ghép vào nhau và được mài mịn, có hình tam giác. Giữa các thanh đồng vẫn có những khe hở để nhồi bông vào để thấm sáp ong. Giữa thanh tre và các thanh đồng được cuốn bằng sợi vải bông vừa để gắn chặt vào nhau vừa để giữ sáp ong chảy xuống đầu thanh đồng, tiếp sáp ong cho bông để vẽ được lâu hơn.


Phụ nữ của người Mông vẽ sáp ong lên vải rất nghệ thuật và độc đáo

Cũng như chị Quang, Bà Hảo Thị Tồng, thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập huyện Lâm Bình chia sẻ: "Chúng tôi vẽ sáp ong để truyền tải cho thế hệ trẻ sau này biết và gìn giữ văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Các họa tiết hoa văn được thể hiện trên vải đều có ý nghĩa thể hiện mong muốn tốt đẹp của con người, phán ánh cuộc sống hàng ngày và những khát vọng cao đẹp của đồng bào dân tộc Mông. Những ước mong giản dị ấy được truyền tải vào tấm vải lanh bằng sáp ong qua những hoa văn tinh tế. Những hoa văn thể hiện ước vọng của người Mông về một ngôi nhà hạnh phúc, sum vầy, ấm no. Tình yêu thiên nhiên cũng được người phụ nữ Mông thể hiện bằng hình hoa văn là những ngọn núi cao và hoa cỏ.

Những mảnh vải vẽ sáp ong sẽ được dùng để may những bộ quần áo mới cho các thành viên trong gia đình vào dịp lễ, tết. Vì vậy, người phụ nữ Mông coi vẽ sáp ong lên vải như một “báu vật” để tạo dấu ấn, sự khác biệt cũng như nhận dạng văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình. Đây cũng được coi là điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển du lịch gắn với giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Bình./.

Tùng Lâm

Tin cùng chuyên mục