Xây dựng trung tâm huyện lỵ Lâm Bình đáp ứng tiêu chí đô thị loại V

Theo TQĐT - Theo quy hoạch chung xây dựng thị trấn trung tâm huyện lỵ Lâm Bình tại Quyết định số 89/QĐ-UBND, ngày 18-4-2012 của UBND tỉnh, trung tâm huyện lỵ Lâm Bình có vị trí bao gồm ranh giới địa chính toàn bộ xã Lăng Can và khu trung tâm thị trấn gồm 9 thôn: Nặm Đíp, Làng Chùa, Nà Khà, Bản Khiển, Nà Mèn, Bản Kè A, Bản Kè B, Phai Che A, Phai Che B. Hiện nay, UBND huyện Lâm Bình đang từng bước xây dựng khu trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội thành trung tâm thị trấn trong tương lai.

Giai đoạn 2 trục đường Trung tâm Hành chính huyện Lâm Bình đang được xây dựng.

Từ nay đến hết năm 2020, huyện Lâm Bình sẽ tập trung xây dựng trung tâm huyện lỵ đáp ứng các chỉ tiêu của đô thị loại V. Thời điểm này, xã Lăng Can đang được triển khai xây dựng nhiều công trình. Huyện đang thi công tuyến đường trung tâm hành chính huyện (giai đoạn 2); nhà lớp học trường THCS xã Lăng Can; 2 tuyến phố kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp tại thôn Bản Khiển đi qua thôn Nà Khà…

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, UBND huyện đang chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nội thị bao gồm đường giao thông, hệ thống công trình công cộng, tập trung ưu tiên quy hoạch xây dựng các khu dân cư nhằm thúc đẩy tỷ lệ tăng dân số cơ giới khu vực trung tâm huyện. Huyện tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm kinh doanh buôn bán tập trung, thúc đẩy tăng tỷ lệ dân buôn bán, lao động phi nông nghiệp; xây dựng bến xe khách để tăng khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa…

Trong phát triển thương mại, dịch vụ, xã Lăng Can đã thu hút được nhiều hộ dân trong xã cũng như từ các địa phương khác tập trung về trung tâm xã đầu tư, mở rộng các loại hình dịch vụ, buôn bán. Đến nay, toàn xã có trên 200 hộ hoạt động kinh doanh các loại hình dịch vụ. Các hộ kinh doanh dịch vụ đã góp phần làm cho diện mạo khu vực trung tâm xã ngày càng khang trang, sầm uất, mang hơi thở đô thị. Chị Nguyễn Thanh Hương, thôn Bản Khiển, xã Lăng Can cho biết, gia đình chị ở tỉnh Vĩnh Phúc, từ khi thành lập huyện Lâm Bình đến nay, gia đình chị đã chuyển lên đây làm ăn đầu tư mở cửa hàng ăn uống phục vụ bà con. Trước kia ở trong xã có mỗi gia đình chị mở cửa hàng ăn thì nay đã có thêm nhiều nhà hàng với đủ các món ẩm thực để khách hàng lựa chọn.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lâm Bình cho biết, ngoài những khó khăn về đầu tư hạ tầng do nguồn ngân sách đầu tư còn thiếu thì khó nhất vẫn là chỉ tiêu vị trí, chức năng, vai trò và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Giải pháp của huyện tạo động lực phát triển đô thị, đa dạng các ngành kinh tế, mức độ phát triển kinh tế sẽ quyết định mức độ đô thị hóa.  Huyện mong muốn tiếp tục được Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho xã Lăng Can, tạo động lực phát triển các vùng lân cận. 

Theo Báo TQĐT

Tin cùng chuyên mục