Lâm Bình phấn đấu xếp hạng tốt về chỉ số DCI

TQĐT - Năm 2017 công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện Lâm Bình được triển khai đồng bộ và hiệu quả. các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc, mức phí, lệ phí được niêm yết công khai, minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch. Tuy nhiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện năm 2017 của huyện Lâm Bình mới xếp loại trung bình khá với 66,98 điểm.

Người dân tìm hiểu các thủ tục hành chính tại UBND huyện Lâm Bình.

Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, đầu tháng 2 vừa qua, UBND huyện Lâm Bình đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất trên địa bàn. Tại buổi đối thoại, UBND huyện Lâm Bình đã trao đổi với các đơn vị về nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính; nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số cạnh tranh năm 2018 của huyện; các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, đang áp dụng trên địa bàn huyện. Huyện cũng công khai một số dự án, chương trình, loại hình đầu tư, kinh doanh để mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tham gia đầu tư hoặc quản lý, khai thác; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Duy Vượng cho biết, là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, thương mại dịch vụ, khi đến làm các thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động, đơn vị được cán bộ hỗ trợ nên nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục liên quan. Cùng với đó, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm trên địa bàn.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Đắc Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Bảo Âu khẳng định, từ khi Nhà máy luyện Antimon của Công ty tại huyện Lâm Bình được hoàn thành vào cuối năm 2015, năm 2016 chính thức đi vào giai đoạn chạy thử, huyện tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị hoàn thành các thủ tục pháp lý một cách nhanh chóng. Nhờ vậy, tuy mới hoạt động nhưng nhà máy đã sản xuất được gần 200 tấn kim loại, doanh thu đạt gần 25 tỷ đồng. Đến năm 2017, sản lượng của nhà máy được hơn 300 tấn kim loại, doanh thu đạt trên 50 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 60 lao động. Sản phẩm của nhà máy chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, một số nước Châu Âu, Châu Mỹ… 

Năm 2018, huyện Lâm Bình tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện việc giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Huyện phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên địa bàn huyện đạt từ 80% trở lên; duy trì 100% cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã thực hiện quản lý văn bản trên môi trường mạng; trên 95% doanh nghiệp nộp thuế và kê khai thuế qua mạng. Đồng thời tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đối với hồ sơ thành lập mới đạt 10%. Duy trì 100% các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã Lăng Can, áp dụng quản lý hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 và nhân rộng đối với cấp xã. 

Trong tháng 3, huyện cũng lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ảnh của tổ chức, công dân về giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn huyện thông qua số điện thoại 02076.511.313.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, năm 2018, huyện đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính được cập nhật, công bố công khai để doanh nghiệp, người dân tiếp cận, tìm hiểu. Các cơ chế chính sách ưu đãi về vốn, đất đai… được huyện công khai minh bạch để từ đó có định hướng và tiến tới tham gia đầu tư vào các dự án trên địa bàn. Huyện phấn đấu nâng vị trí xếp hạng chỉ số DCI từ trung bình khá (năm 2017) lên hạng tốt vào năm 2018. 

Theo Báo TQĐT

Tin cùng chuyên mục