Lâm Bình tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác

Chiều ngày 25/7, UBND huyện Lâm Bình đã tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang; đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Hoàng Trần Chung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn; đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; các đồng chí lãnh đạo UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và đại diện các tổ chức, cá nhân được biểu dương, khen thưởng.

Chương trình văn nghệ chào mừng hội nghị

Ngày 04/10/2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và cũng vào ngày 04/10/2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để tổ chức thực hiện. Để sớm đưa Nghị định của Chính phủ vào cuộc sống, hệ thống quản trị và điều hành NHCSXH tại các địa phương trong cả nước được thành lập.

Toàn cảnh hội nghị

Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Lâm Bình được thành lập theo Quyết định số 29/QĐ - HĐQT ngày 28/4/2011 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam. Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lâm Bình (NHCSXH) được thành lập trong điều kiện còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Xong với vai trò là “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo, hơn 11 năm thành lập, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lâm Bình đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn kịp thời đưa vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; được Nhân dân hưởng ứng và đồng tình ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn, ổn định xã hội, kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Đại biểu dự hội nghị

Từ 10 chương trình tín dụng nhận bàn giao khi mới thành lập, đến nay Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lâm Bình đã triển khai cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến 30/6/2022 đạt 413 tỷ 505 triệu đồng, với 7.945 khách hàng đang vay vốn, tăng gấp 5,53 lần so với thời điểm Phòng giao dịch mới thành lập năm 2011. Trong đó, nguồn vốn được điều chuyển từ Trung ương là 386 tỷ 405 triệu đồng, tăng 311 tỷ 667 triệu đồng so với thời điểm Phòng giao dịch mới đi vào hoạt động. Nguồn vốn huy động theo lãi suất thị trường được Trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất là 21 tỷ 453 triệu đồng, tăng 21 tỷ 346 triệu đồng so với năm 2011. Toàn huyện hiện nay có 207 Tổ TK&VV tăng 89 tổ tiết kiệm so với khi mới thành lập. Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương là 6,1 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách tỉnh là 2,8 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện là 3,2 tỷ đồng. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đ/c Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị

Kết quả đạt được trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ trên địa bàn huyện Lâm Bình đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Cấp ủy, chính quyền huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 5 triệu đồng/người năm 2002 lên 31 triệu đồng/người năm 2022, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 21,33%, đời sống của Nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.

Đ/c Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong 20 năm thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đồng thời cũng nêu ra những kiến nghị và giải pháp cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. 

Thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội Lâm Bình tiếp tục phát huy khai thác mọi nguồn lực, phối hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời chuyển tải nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Gắn việc triển khai chính sách tín dụng với chủ trương, định hướng của địa phương về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp nông thôn; tập trung ưu tiên vốn đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, cũng như quan tâm đầu tư vốn tín dụng chính sách cho các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động, phát triển làng nghề, sản phẩm dịch vụ  OCOP... trên địa bàn. Phấn đấu tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm từ 6 - 8%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%, hiệu suất sử dụng vốn đạt 99%, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,02%.

Tại hội nghị Ban tổ chức đã trao Giấy khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho 01 tập thể và 7 cá nhân; Giấy khen của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 6 tập thể và 16 cá nhân; Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cho 10 tập thể và 16 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định số 78 của Chính phủ trong 20 năm qua.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục