Lâm Bình sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về sản xuất Nông - Lâm nghiệp

Trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì huyện Lâm Bình không có nhiều lợi thế so với các huyện, thành phố khác của tỉnh Tuyên Quang. Bởi đây là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong khi đó, diện tích đất lâm nghiệp chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên của toàn huyện và quy mô kinh tế còn nhỏ lẻ, hộ nghèo chiếm gần 50%. Xác định những khó khăn để tập trung triển khai các giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I, nhiệm kỳ 2015- 2020, với mục tiêu là tạo ra diện mạo nông thôn đổi thay và đời sống kinh tế của người nông dân ngày càng được cải thiện căn bản.

Để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đi vào cuộc sống, huyện Lâm Bình đã xác định, định hướng phát triển trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn cho các nhiệm kỳ sau, với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, gắn với chăn nuôi thủy sản trên vùng lòng hồ, chăn nuôi đại gia súc, tạo ra diện mạo nông thôn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kin tế - xã hội, bằng quyết tâm chính trị cao, với cách làm sáng tạo, những bước đi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, Lâm Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế của huyện có sự tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu và nâng cấp hệ thống giao thông được đặc biệt quan tâm. Riêng trong lĩnh vực phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện được xem là những lĩnh vực mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế đã tiếp tục phát triển và từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Hơn 2 năm qua, Lâm Bình đã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế lâm nghiệp, với tiến độ trồng rừng hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch; tổng đàn gia súc, gia cầm được duy trì, phát triển; các mô hình kinh tế theo Đề án phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện được hình thành ở 8 xã, nên đã làm thay đổi tư duy và phương thức sản xuất mới của người nông dân. 

Tại thôn Tiên Tốc, xã Bình An, đây là khu di dân từ xã Thúy Loa của huyện Na Hang cách đây hơn 10 năm. Trên vùng đất này, đồng bào đã đoàn kết xây dựng cuộc sống mới bằng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của từng hộ gia đình. Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chi bộ thôn Tiên Tốc đã xây dựng Nghị quyết và đã lựa chọn phát triển chăn nuôi đại gia súc và trồng cây công nghiệp mía là những ưu tiên để tập trung phát triển. Đến nay, bà con đang duy trì trên 10ha mía nguyên liệu và trên 300 con trâu được chăn nuôi theo hình thức vỗ béo, trở thành thôn có tổng đàn đại gia súc lớn nhất ở xã Bình An. Theo ước tính, bình quân mỗi hộ dân trong thôn, đang duy trì 6 con trâu trở lên.  Có thể khẳng định việc đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi này với mục đích là vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ, vừa đảm bảo mức thu nhập cho từng hộ gia đình. Trải qua hơn 10 năm di dân theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về nơi ở mới, các hộ gia đình dân tộc Mông ở thôn Tiên Tốc đã có được thành quả đáng kể trong lao động sản xuất. Việc lựa chọn hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế và tập quán của đồng bào đã giúp vùng quê mới Tiên Tốc có được mức sống cao so với mặt bằng chung của Bình An, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Lâm Bình. Đó là kết quả trong việc chỉ đạo, lãnh đạo của từng đồng chí đảng viên trong chi bộ, nhất là việc phát huy vai trò của các đồng chí đảng viên trẻ trong chi bộ đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp. 

Nhiều hộ gia đình ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An chăn nuôi gia súc theo hình thức nuôi nhốt đem lại hiệu quả kinh tế cao

Vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang có khá nhiều eo ngách nên thuận lợi cho việc phát triển các lĩnh vực chăn nuôi. Để ra được nơi đặt mô hình nuôi vịt sinh sản, của gia đình anh Trần Văn Lâm ở thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà phải mất gần 30 phút di chuyển bằng thuyền cá nhân. Toàn bộ thức ăn, thuốc phòng bệnh cho thủy cầm đều vận chuyển bằng phương tiện này. Tuy nhiên, ưu điểm từ mô hình chăn nuôi của gia đình anh trên eo ngách lòng hồ là hạn chế được dịch bệnh, đồng thời tận dụng được nguồn thức ăn giàu chất đạm từ nguồn lợi thủy sản đánh bắt trên lưu vực lòng hồ. Với phương thức chăn nuôi này đã giúp gia đình anh giảm chi phí sản xuất, trách dịch bệnh và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm khi cung cấp ra thị trường.  Bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi vịt sinh sản từ năm 2017, người nông dân trẻ Trần Văn Lâm đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi khác trong tỉnh. Đặc biệt, được sự hỗ trợ về nguồn vốn thông qua kênh tín dụng từ Ngân hàng NN&PTNT, anh đã đầu tư phát triển và nâng cao số lượng của tổng đàn. Đến nay, gia đình anh đang duy trì 500 con vịt sinh sản, mỗi ngày mang lại nguồn thu trên 400 quả trứng thương phẩm. Bên cạnh phát triển chăn nuôi thủy sản thì việc đầu tư chăn nuôi và mở rộng quy mô tổng đàn thủy cầm của gia đình anh Trần Văn Lâm và một số hộ nông dân khác ở xã Khuôn Hà đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đây cũng là mô hình nằm trong lộ trình để huyện Lâm Bình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vịt đẻ trứng trên lòng hồ trong thời gian tới. 

Tại thời điểm đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I, nhiệm kỳ 2015- 2020, mức thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt trên 13 triệu đồng/năm và hộ nghèo còn chiếm tỉ lệ cao. Trên cơ sở bám sát vào mục tiêu Nghị quyết, trong những năm qua, huyện Lâm Bình đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế- xã hội, đưa kinh tế của huyện phát triển bằng việc quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng. Thông qua các chương trình khuyến nông lâm, khuyến ngư, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, huyện đã triển khai các dự án dành cho nông, lâm nghiệp. Tuy là huyện nghèo, với cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tới trên 60%, song nhờ quyết tâm chính trị cao, nhất là sự nỗ lực của người dân trên địa bàn huyện, nên kinh tế hộ gia đình, tổ hợp tác trên địa bàn Lâm Bình đã có bước phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng giá trị sản phẩm hàng hóa. Từ đây, Lâm Bình đã đưa sản xuất nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn hơn, gắn với thị trường tiêu thụ. Chính việc phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương nên đã góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, vốn đầu tư, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý cho nhân dân trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản. Một số sản phẩm của huyện giờ đây đã được nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh với thị trường, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Chí Cường

Tin cùng chuyên mục