Lâm Bình phát triển sản phẩm Ocop từ thế mạnh của địa phương

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng tầm nông sản địa phương. Tại huyện Lâm Bình, nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, tiềm năng thế mạnh của địa phương được triển khai hiệu qủa. Từ đó, đưa nông sản của địa phương trở thành hàng hóa có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Năm 2021, HTX Nông, lâm nghiệp Duy Vượng, thị trấn Lăng Can thành lập đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các thành viên, cùng nhau liên kết, sản xuất theo quy trình đảm bảo, sản phẩm thịt chua lợn đen của HTX được tiêu thụ thuận lợi, giá tốt hơn, đến cuối năm 2021, sản phẩm thịt chua lợn đen được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2022, HTX tiếp tục có sản phẩm da trâu khô đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, trong thời gian tới HTX tiếp tục duy trì phát triển sản phẩm để mở rộng ra thị trường. Kết quả này là sự ghi nhận những nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để nâng cao giá trị nông sản, phát triển thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Sản phẩm thịt chua lợn đen của HTX Nông, lâm nghiệp Duy Vượng được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ tại huyện Lâm Bình, chương trình đã từng bước đưa các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương này trở thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, huyện đã tạo điều kiện về cơ chế, chính sách thúc đẩy các HTX trên địa bàn chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô, gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, việc tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã được huyện đẩy mạnh, đồng thời, huy động nguồn lực, đổi mới hình thức sản xuất và tăng cường quản lý chất lượng cũng như thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm trước đây chỉ được tiêu thụ tại địa phương nay đã có mặt ở các hệ thống siêu thị và sàn thương mại điện tử, điều này, đã mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm, vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân.

Nhiều sản phẩm tại Lâm Bình đạt tiêu chuẩn OCOP

Chương trình OCOP đã và đang trở thành động lực để phát triển kinh tế ở huyện Lâm Bình, tạo liên kết theo chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, làm thay đổi tư duy sản xuất, thúc đẩy nông dân đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú nâng tầm giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn phát triển bền vững./.

Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục