Huyện Lâm Bình khuyến khích phát triển chăn nuôi dê

Lâm Bình là huyện có tiềm năng, thế mạnh về phát triển chăn nuôi, cùng với những loại gia súc, gia cầm quen thuộc, những năm qua, dê là loại vật nuôi được nhiều hộ dân ở huyện vùng cao này quan tâm đầu tư phát triển, nhân rộng và đã đem lại hiệu quả kinh tế nhờ thay đổi phương pháp chăn nuôi. Qua đó, không chỉ giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình với mức thu nhập ổn định, mà còn góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác giảm nghèo.

Gia đình anh Bàn Văn Linh ở thôn Lũng Piát, xã Thổ Bình bắt đầu chăn nuôi dê địa phương từ năm 2016 theo hình thức chăn thả tự nhiên, với tổng số 40 con. Sau một thời gian chăn nuôi, anh Linh nhận thấy dê thịt địa phương không được nhiều thương lái tìm mua, mà nếu mua cũng phải lựa chọn rất kỹ do lượng thịt dê được ít. Cùng với đó, chăn nuôi thả tự nhiên, đàn dê của gia đình anh dễ bị mắc bệnh do không kiểm soát được. Với quyết tâm phát triển kinh tế từ chăn nuôi dê, tháng 5 năm 2020, anh Linh đã thay đổi tư duy chăn nuôi từ giống dê địa phương sang giống dê lai Bo theo hình thức nuôi nhốt, với 24 con. Để duy trì được phương thức chăn nuôi này, anh đã tích cực trồng cỏ, trồng ngô và các loại lá cây có sẵn trong tự nhiên làm thức ăn cho dê. Đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe và tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn dê. Hiện nay, đàn dê lai bo của gia đình anh Linh đã tăng lên 45 con, đầu ra cho sản phẩm luôn ở mức ổn định, đặc biệt được thương lái ưa chuộng nên số dê hiện có của gia đình anh không đủ để cung cấp cho các nhà hàng ở khu vực huyện Chiêm Hóa và những hộ gia đình đến tìm mua con giống về nuôi. 

Mô hình chăn nuôi dê lai nhốt của gia đình anh Bàn Văn Linh ở thôn Lũng Piát, xã Thổ Bình đang phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao 

 Xác định địa phương là huyện có tiếm năng thế mạnh về phát triển chăn nuôi dê, thời gian qua huyện Lâm Bình đã lồng ghép các nguồn vốn nhằm hỗ trợ và khuyến khích người dân chăn nuôi dê. Cụ thể, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2018 đến năm 2020 trên địa bàn huyện đã có 140 hộ gia đình được hỗ trợ 1.013 con dê, để thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi dê theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhận thấy dê là loại gia súc dễ chăn nuôi, không tốn nhiều thức ăn và công chăm sóc, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện cũng đã chú trọng tự bỏ vốn mua dê về nuôi để phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần nâng số lượng đàn lên của toàn huyện lên 3.700 con. Năm 2015, trên địa bàn huyện đã có sản phẩm dê thịt của Hợp tác xã nông, lâm nghiệp Thổ Bình được cấp giấy chứng nhận VietGAP, năm 2020 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu dê núi Thổ Bình. Để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng và để loại gia súc này trở thành hàng hóa giúp người dân thoát nghèo, vừa qua huyện đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Dê - Cừu - Thỏ thuộc Viện chăn nuôi triển khai một số hoạt động như tổ chức tập huấn cho 8 hộ nuôi dê nòng cốt, tặng 2 con dê đực giống lai Bo và giống Bách Thảo cho hộ gia đình anh Ma Duy Mân ở thôn Nà Mỵ, xã Thổ Bình về nuôi, hướng tới xây dựng truy suất nguồn gốc, quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm thịt dê Lâm Bình.

 

Huyện Lâm Bình đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình có lợi thế phát triển chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa

Để nhân rộng mô hình chăn nuôi dê, tới đây, huyện Lâm Bình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình có điều kiện lợi thế phát triển nuôi dê thảo dược. Đồng thời, hỗ trợ về vốn, con giống, kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là liên kết tiêu thụ sản phẩm để các hộ gia đình yên tâm chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục