Lâm Bình dự Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp

Sáng ngày 16/6, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Dự Hội nghị có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban, đảng Tỉnh ủy, cơ quan, đơn vị thuộc khối nội chính tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các điểm cầu trong huyện.

Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Lâm Bình có các đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Hoàng Văn Nha, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện, các đồng chí UVBTV Huyện ủy, đại diện lãnh đạo các ban, đảng Huyện ủy, cơ quan Khối nội chính huyện, Văn phòng huyện, Trung tâm VH, TT và Thể thao huyện, Bí thư Đảng ủy các xã trên địa bàn huyện.

Các đồng chí đại biểu dự hội nghị

 Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe quán triệt những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và nhiệm kỳ Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh. Theo đó, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh; Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và tuyên truyền nhằm nâng cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy định của tỉnh về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm. Thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thực hiện hoạt động tư pháp; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia các hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đảm bảo các vụ án được xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Quang cảnh hội nghị

Dự thảo Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII, Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp cho từng cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, lãnh đạo chỉ đạo về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tại các điểm cầu đã làm rõ hơn những nhiệm vụ, nội dung công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII, Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, đồng thời nêu thêm những giải pháp cụ thể gắn với tình hình an ninh trật tự, phòng chống tham nhũng của tỉnh để thực hiện nghị quyết.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị thời gian tới các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi vi phạm; ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi "tham nhũng vặt", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tập trung giải quyết dứt điểm đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những trường hợp phức tạp, tồn đọng, kéo dài, chú trọng đối thoại, công khai kết quả giải quyết, không để xảy ra bức xúc, phức tạp nảy sinh. Đồng chí cũng nhấn mạnh, công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp là những lĩnh vực rất quan trọng, nhiều khó khăn, phức tạp và rất nhạy cảm. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị phải nêu cao quyết tâm chính trị, xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố niềm tin yêu của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục