Hội nghị trực tuyến tổng kết Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Chiều ngày 30/7, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hình thức trực tuyến đến các điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy, Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố. Dự và chủ trì tại điểm cầu Tỉnh ủy có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

 Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Điểm cầu Tỉnh ủy Tuyên Quang)

Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Lâm Bình có các đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; Lãnh đạo các Ban đảng, văn phòng Huyện; Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện; ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện; Thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện; Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trân trong huyện; Đại diện tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 26 được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng.

Đại biểu dự hội nghi tại điểm cầu huyện Lâm Bình

Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết 26 và xem phóng sự, đánh giá kết quả nổi bật trong 13 năm thực hiện Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), nông nghiệp, nông dân, nông thôn tuyên Quang đã có những chuyển biến tích cực: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hôi được tăng cường, bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã thay đổi, thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn tăng 4,15 lần so với năm 2008; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm; giá trị sản phẩm/1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 97 triệu đồng/ha; Toàn tỉnh đã có 47/124 xã ( chiếm 37,9%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn được hình thành và có sự chuyển biến tích cực theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường. Trong đó, vùng Cam trên 8.650 ha; vùng chè 8.460 ha; vùng Bưởi 5.190 ha; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 5,8%/năm. Thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC đạt trên 35 nghìn 800 ha, đứng đầu trong cả nước. Có 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop; Ngành nghề nông thôn và dịch vụ nông nghiệp có sự phát triển, đến nay, toàn tỉnh có 15 nghìn 316 cơ sở kinh doanh ( tăng 13 nghìn 714 cơ sở so với năm 2008) giải quyết việc làm cho trên 20 nghìn 500 lao động.  Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp được quan tâm đầu tư, xây dựng. Đặc biệt là hạ tầng thủy lợi đảm bảo tưới chắc cho trên 84% diện tích gieo cấy; thực hiện bê tông hóa trên 4.100 km đường giao thông nông thôn; Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,83% năm 2011 xuống còn 9,03% năm 2020…

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: còn có 6 chỉ tiêu chưa hoàn thành; việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ còn chậm, nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch; sản phẩm hàng hóa có chất lượng và quy mô xuất khẩu chưa nhiều; liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm quy mô còn hạn chế; đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm; đời sống nông dân tuy được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn thấp…

Mục tiêu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tuyên Quang phấn đấu năm 2025, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha canh tác nông nghiệp, rừng trồng, nuôi trồng thủy sản gấp 1,3 lần so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 44 triệu đồng/người/năm; trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2-2,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn mới…và đến năm 2030, Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp , thủy sản tăng bình quân trên 3%/năm; giá trị bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 88 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 40%; 100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; 6/6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới…

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lâm Bình phát biểu thảo luận

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi các kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 26, đồng thời đề xuất các giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn Nghị quyết trong thời gian tới.

Đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lâm Bình trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện nghị quyết 26 của Ban chấp Trung ương Đảng khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện Lâm Bình, giai đoạn 2016-2021

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung đã biểu dương những kết quả của các cấp, ngành trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng thời nhấn mạnh, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được nhấn mạnh, ưu tiên. Các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức cho đảng viên, cán bộ và nhân dân về vị trí vai trò, tầm quan trọng mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội của Nghị quyết 26 và chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các cơ chế, chính sách đã ban hành, nghiên cứu, bổ sung và ban hành các chính sách mới cho phù hợp với từng giai đoạn. Đồng chí đề nghị, các ngành, địa phương phải xác định, xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của từng đơn vị, địa phương, để nông thôn thực sự là nơi đáng sống và muốn sống. Cần đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, hiệu quả, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Các ngành, địa phương cần quan tâm đào tạo nghề về kỹ năng sản xuất, thích ứng với thị trường cho người dân, kiên quyết không để tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; đẩy mạnh tuyên truyền, để người dân thực sự là chủ thể trong mọi chính sách, chương trình hỗ trợ, theo đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng"…Đặc biệt, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, các địa phương phải chú ý thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo việc làm cho lao động nông thôn, để người nông dân ly nông nhưng không ly hương, không để ai bị bỏ lại phía sau…

Đ/c Hoàng Văn Nha, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nghị quyết 26 của Ban chấp Trung ương Đảng khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện Lâm Bình, giai đoạn 2016-2021

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 2 cá nhân vì đã có thành tích trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 92 tập thể và 116 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nghị quyết 26 của Ban chấp Trung ương Đảng khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016-2021. Trong đó, Huyện Lâm Bình có 10 tập thể và 10 cá nhân được khen trưởng.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục