Đi học xa!

Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, trong khi còn nhiều phụ huynh ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa có được sự quan tâm đúng mức đến việc học tập của con em mình thì ba năm trở lại đây, chiều chủ nhật vợ chồng chị Lý Thị Phin, anh Triệu Văn Hào, ở thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên cũng tất bật với việc chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho cả tuần để cùng các con xuống núi đi học.

Trong năm học này, gia đình anh chị có 2 người con đang theo học lớp 2 và lớp 4 ở điểm trường chính của Trường tiểu học Phúc Yên, huyện Lâm Bình. Mặc dù quãng đường đi từ nhà đến trường chỉ cách 8 cây số nhưng việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Do vậy, anh chị phải lo cho các con xuống trường từ chiều hôm trước để sáng thứ 2 kịp học. Dẫu hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng thấy được sự hiếu học của các con nên vợ chồng anh chị đã luôn phiên nhau xuống trường chăm sóc các con trong những ngày đi học. 


Phụ huynh đưa  đưa con đến trường

Trong năm học này, điểm trường chính của Trường tiểu học Phúc Yên tiếp tục có 10 em học sinh ở điểm trường khu Tát Nga của thôn Nà Khậu chuyển về học và ở bán trú tại trường. Sau nhiều năm về điểm trường chính học, ngoài việc có điều kiện học tập tốt hơn, các em còn được tham gia đầy đủ các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống do nhà trường tổ chức. Qua đó, đã giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập và giao tiếp.


Giờ học ngoại khóa

Nâng cao chất lượng giờ học

Thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 14/11/2013, của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tại Hội Nghị Trương ương 8 ( khóa XI) thông qua về “ Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và các văn bản chỉ đạo của Ngành, từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2017 - 2018, Trường tiểu học Phúc Yên đã thực hiện việc sắp xếp, dồn ghép từ 5 điểm trường xuống 4 điểm ở các thôn Bản Bon, Khau Cau, Bản Tấng và Bản Thàng. Từ khi thực hiện việc sắp xếp, dồn ghép các điểm trường, chất lượng dạy học ở đây đã được nâng lên, đa số các em học sinh đã mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập và giao tiếp. Để có được kết quả như vậy là do nhà trường đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh thay đổi nhận thức, tích cực đưa các con xuống trường học tập. Cùng với đó, các bậc phụ huynh còn tham gia giúp nhà trường dựng bếp để nấu ăn và luân phiên nhau đến trường quản lý, chăm sóc các cháu trong quá trình học tập tại trường.


Giáo viên phối hợp với phụ huynh quản lý con em ở bán trú tại trường

Có thể thấy, việc sắp xếp, dồn ghép các điểm lẻ về điểm trường tập trung học tập ở huyện Lâm Bình trong những năm qua đã góp phần quan trọng giúp các em có được một môi trường học tập tốt hơn, giáo viên dạy học có chất lượng. Những kết quả này, cũng chính là tiền đề để huyện vùng cao Lâm Bình thực hiện có hiệu quả Đề án sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2017 - 2021 trong thời gian tiếp theo.

Bài/Ảnh: Thúy Phượng - Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục