Xã Lăng Can chủ động phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, tỉnh Tuyên Quang chưa phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi nào, tuy nhiên nguy cơ xâm nhiễm, bùng phát dịch luôn tiềm ẩn. Chính vì vậy, Cấp ủy chính quyền xã Lăng Can, huyện Lâm Bình tăng cường các biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can là một trong những thôn có tổng đàn lợn chiếm khá cao với trên 300 con. Thời gian qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cùng với sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân trong thôn đã hiểu mức độ nguy hiểm của dịch bệnh đến đàn gia súc, cũng như kinh tế gia đình. Chính vì vậy, bà con nhân dân trong thôn đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu đọc khử trùng….Đồng thời, tiến hành tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi vụ Xuân – Hè.  

Chăm sóc đàn vật nuôi được các hộ chú trọng

Hiện nay trên địa bàn xã Lăng Can có trên 2.640 con lợn. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Tả lợn Châu Phi, Cấp ủy chính quyền xã Lăng Can đã có văn bản chỉ đạo đến từng thôn bản, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời theo dõi các điểm buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn,  tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các tụ điểm buôn bán, giết mổ lợn và có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Chủ động trong công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc  nhằm phát hiện sớm ổ dịch để xử lý kịp thời, quyết liệt áp dụng các biện pháp chống dịch nhằm dập tắt nhanh ổ dịch, bằng mọi biện pháp không để ổ dịch lây lan…

Theo các cơ quan chức năng,  dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Vi rút này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh. Vi rút này tồn tại 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh và có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút hoặc 60 độ C trong 20 phút. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi không có khả năng lây sang người. Vì vậy, người tiêu dùng không nên hoang mang, quay lưng với thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn mà hãy lựa chọn mua thịt từ những cửa hàng thực phẩm sạch, có uy tín, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và nấu chín kỹ trước khi sử dùng../.

Kim Thoa - Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục