Lâm Bình phát triển nghề mây tre đan truyền thống thành sản phẩm hàng hóa

Nghề mây tre đan thuộc nhóm nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, có lợi thế phát triển nhiều sản phẩm độc đáo, gắn với phát triển du lịch. Do vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Quang đã thành lập Tổ hợp tác mây tre đan để tranh thủ tìm kiếm cơ hội liên kết, phát triển sản phẩm và nguồn nguyên liệu bền vững tại địa phương, góp phần tạo việc làm tăng, thu nhập cho hội viên phụ nữ.

Tổ hợp tác mây tre đan ở thôn Nà Khau, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình được thành lập năm 2020 với 18 thành viên tham gia chủ yếu là hội viên chi hội phụ nữ thôn Nà Khau.  Tổ hơp tác  được thành lập trên nền tảng phát triển nghề truyền thống của người dân trong vùng và dựa trên vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác mây tre đan của xã Minh Quang đã sản xuất ra hàng nghìn sản phẩm các loại với mẫu mã khá đa dạng, chất lượng tốt, cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Thái  Nguyên... Số lượng đơn đặt hàng của các tổ chức, cá nhân cũng ngày một tăng, sản phẩm làm ra không đủ cung ứng. Giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong thời gian nông nhàn với mức thu nhập từ 1-2 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này tuy chưa cao nhưng thường xuyên và tận dụng được nhân lực tại chỗ lúc nông nhàn, đặc biệt là người già vẫn có thể làm được. Để nâng cao tay nghề cho chị em trong Tổ hợp tác cũng như hội viên phụ nữ trong xã, vừa qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Quang đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình mở lớp tập huấn nâng cao nghề mây tre đan truyền thống thành sản phẩm hàng hóa. Thông qua lớp tập huấn nhằm giúp chị em hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển nghề mây tre đan cũng như nắm được những kỹ thuật cơ bản để làm thêm các sản phẩm mới với nhiều loại mẫu mã khác nhau, hướng đến làm ra những sản phẩm mây tre đan chất lượng cao để xuất khẩu ra nước ngoài.  

Trong quá trình mở các lớp tập huấn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã mời các nghệ nhân ở các làng nghề mây tre đan truyền thống  nổi tiếng và các doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ trong nước về truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật từ khâu sơ chế nguyên liệu đến khi làm thành sản phẩm. Ngoài ra, còn hỗ trợ bà con về dụng cụ và nguyên vật liệu để bà con làm thành sản phẩm. Qua các lớp tập huấn không chỉ giúp chị em biết thêm những kiến thức và kỹ thuật trong làm nghề mây tre đan mà còn là dịp để Tổ hợp tác và người dân có cơ hội liên kết với các doanh nghiệp, các làng nghề mây tre đan nổi tiếng trong nước để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.  

Với việc chủ động liên kết, cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền trong việc nâng cao tay nghề để phát triển nghề mây tre đan truyền thống thành sản phẩm hàng hóa. Hy vọng  Tổ hợp tác mây tre đan ở xã Minh Quang sẽ phát triển rộng cả về quy mô và giá trị sản phẩm.  Hình thành những làng nghê sản xuất ra nhiều sản phẩm có mẫu mã đa dạng, chất lượng được nâng cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đó, tổ chức gắn kết làng nghề với phát triển du lịch để hình thành những tuyến du lịch làng nghề trên địa bàn huyện.

Hà Khánh - Công Đại

Tin cùng chuyên mục