Lâm Bình phát triển chăn nuôi trên vùng lòng Hồ Thủy điện Tuyên Quang gắn với bảo vệ rừng

Từ những khu rừng phòng hộ được giao nhận khoán, bảo vệ, chăm sóc, các hộ dân huyện Lâm Bình đã biết kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng, tận dụng diện tích mặt nước sẵn có để chăn nuôi thủy sản, thủy cầm đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Năm 2016 gia đình ông Triệu Văn Đội, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm  được giao khoán bảo vệ hơn 90ha rừng tại khu vực lòng Hồ thủy điện Tuyên Quang. Tận dụng lợi thế về tiềm năng đất đai và diện tích mặt nước, ông Đội đã vay 300 trăm triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT huyện để đầu tư xây dựng gia trại với 18 lồng nuôi cá và chăn nuôi lơn đen thả rông. Ông Đội chia sẻ, hiện nay gia đình ông đang chăn nuôi chủ yếu là cá lăng, trắm đen, nheo và rô phi… Ngoài chăn nuôi cá gia đình ông còn nuôi từ 40 – 50 con lợn đen với 3 lứa suốt chuồng trên năm. Từ việc tận dụng diện tích mặt nước eo ngách tại vùng lòng hồ và chăn nuôi dưới tán rừng kết hợp bảo vệ rừng. Sau 4 năm mô hình chăn nuôi của gia đình ông Đội đã cho khoản thu nhập từ 150 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng/năm, đời sống gia đình ông đã khá lên và trở thành hộ giàu của xã.

Mô hình nuôi cá của gia đình ông Triệu Văn Đội, thôn Bản Chợ,  xã Thượng Lâm.

Sau nhiều năm thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ, gắn với phát triển kinh tế như chăn nuôi trâu, bò, lợn đen, gà đồi và tận dụng diện tích mặt nước như eo, ngách trên lưu vực Hồ sinh thái để đầu tư làm lồng nuôi cá đã có nhiều gia đình có thu nhập cao; cùng với phát triển kinh tế đã huy động được sự tham gia của nhân dân địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng, ngăn chặn tình trạng xâm lấn, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, khai thác rừng trái phép. Qua đó, đã tạo cảnh quan phát triển dịch vụ du lịch tại khu vực Hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình, tiết kiệm ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác bảo vệ rừng.

Buổi họp giữa Ban quan lý rừng Phòng hộ - Hạt Kiểm Lâm với các hộ

gia đình nhận giao khoán bảo vệ chăn nuôi dưới tán rừng ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm

Kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng

Màu xanh của rừng

Để phát huy hiệu quả, huy động được nguồn lực của người dân trong việc bảo vệ và phát triển vốn rừng, thời gian tới, các cơ quan liên quan của huyện cần tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ gia đình, nhóm hộ, tổ chức nhận khoán; tập trung xây dựng các mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng; đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục