Hồng Quang tập trung phòng, chống, ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi

Trước diễn biến hết sức phức tạp của Dịch tả lợn Châu Phi, hiện nay xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình đang tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch bệnh, tránh sự bùng phát và lây lan, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi trên địa bàn xã.

Hiện nay, toàn xã Hồng Quang có gần 2.000 con lợn, đa số người dân đều chăn nuôi với quy mô nhỏ, phân tán. Mặc dù đến thời điểm nay trên địa bàn xã  chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, xong nguy cơ xâm nhiễm, bùng phát dịch luôn tiềm ẩn. Để chủ động phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, UBND xã Hồng Quang đã triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch như:  Lập chốt kiểm dịch tại khu vực giáp ranh với các địa phương khác để tăng cường kiểm soát, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn; tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại và tuân thủ những biện pháp phòng bệnh cho đàn lợn. Hiện nay việc phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi được xã Hồng Quang thực hiện rất nghiêm túc. Các hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn cam kết thực hiện triệt để “5 không”: Không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn chết, không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn chưa qua sử lý nhiệt. 

Công tác khử trùng, tiêu độc đã được triển khai trên tất cả các hộ chăn nuôi lơn

Để công tác phòng, chống dịch đem lại hiệu quả cao nhất, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, xã Hồng Quang đang tập trung tổ chức thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng của người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền về nguy cơ xảy ra dịch bệnh, mức độ nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; các biện pháp xử lý đối với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan; thông tin kịp thời về diễn biến, cách nhận biết, phát hiện và các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. 

Cùng với đó, Hồng Quang cũng tập trung hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên sát trùng, tiêu độc và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kịp thời phát hiện, khai báo và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn nghi bệnh trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh. Tổ chức giám sát đàn lợn tại thôn, xóm, bản, hộ chăn nuôi; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán, vận chuyển lợn ra, vào địa bàn; giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết, mổ lợn. Thành lập các đội kiểm soát lưu động, tiếp tục duy trì cán bộ thường trực làm việc tại các Trạm kiểm dịch động vật ra, vào địa bàn.

Vì lợi ích lâu dài, xã cũng đang khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, hiểu đúng về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tránh tâm lý hoang mang, giấu dịch, bán chạy làm phát tán, lây lan dịch bệnh; phải xử lý chôn hủy lợn chết, không vứt xác lợn chết ra môi trường; phối hợp cơ quan chuyên môn lấy mẫu giám sát bệnh theo quy định.

Chí Cường - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục