Cục Thống kê và Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Lễ ra quân điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tại huyện Lâm Bình.

Sáng 1/7, tại xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, Cục Thống kê và Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Lễ ra quân điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Dự hội nghị, đại biểu tỉnh có các đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; Phạm Hùng Sơn, Cục Trưởng cục Thống kê tỉnh; Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Đại biểu huyện Lâm Bình có các đồng chí Nguyễn Thành Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện; Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện.

Lễ ra quân điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại Lễ ra quân đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển, nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay việc đánh giá hiệu quả và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số chưa được điều tra một cách thống nhất, toàn diện dẫn đến việc thu thập, cung cấp thông tin cần thiết phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước về công tác dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu về dân tộc và công tác dân tộc chưa được đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, thống nhất, nhiều khi thiếu chính xác,… Do vậy, Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số sẽ giúp các cấp, các ngành đánh giá cụ thể về trình độ phát triển của các dân tộc thiểu số và đánh giá sự bình đẳng giữa các dân tộc so với mặt bằng chung của cả nước nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Đồng thời, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nắm được đầy đủ thông tin về đồng bào dân tộc từ đó sẽ có những quyết sách phù hợp, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được nhiều hơn để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và giảm bớt sự chênh lệch giữa trình độ phát triển của các dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu khai mạc tại Lễ ra quân

Để cuộc điều tra đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và đúng quy định của phương án cuộc điều tra đã đề ra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải tập trung tổ chức thực hiện điều tra, đảm bảo yêu cầu và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đảm bảo các điều kiện cần thiết cho cuộc điều tra và thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về cuộc điều tra đến các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đảm bảo mọi người dân đều hiểu rõ, tích cực ủng hộ và tạo điều kiện cho điều tra viên tham gia điều tra tại địa bàn. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp, đôn đốc kiểm tra, giám sát việc điều tra theo đúng quy trình, tiến độ, đảm bảo yêu cầu chất lượng điều tra. Đối với tổ trưởng, điều tra viên cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia công tác điều tra, thực hiện nghiêm túc các quy định, đảm bảo tiến độ. Tuyệt đối tuân thủ các phương pháp điều tra là trực tiếp phỏng vấn đúng người, đúng đối tượng thu thập thông tin. 

 Lâm Bình là huyện đặc biệt khó khăn với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện điều tra; trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ; sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy và chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Kinh tế của huyện đã có sự phát triển nhanh và đúng hướng; du lịch, dịch vụ phát triển nhanh; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư cơ bản đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện. Văn hóa truyền thống được giữ gìn, khôi phục và phát huy; an sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định. Tuy nhiên, đời sống một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; một số chính sách hỗ trợ thực hiện chưa thực sự hiệu quả; chất lượng nguồn nhân lực có mặt còn hạn chế. Do vậy, cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 càng có ý nghĩa rất quan trọng đối với huyện Lâm Bình, là một trong những huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên phạm vi cả nước.

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình phát biểu ý kiến tại Lễ ra quân  

Để thực hiện tốt cuộc Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 trên địa bàn các xã, thị trấn, từ đó góp phần thực hiện tốt cuộc điều tra trên địa bàn huyện Lâm Bình và tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh và yêu cầu các xã, thị trấn, các điều tra viên và các hộ gia đình được lựa chọn điều tra cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường công tác lãnh đạo đối với công tác điều tra; tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền về cuộc điều tra cho đến hết ngày 05/8/2024; tạo điều kiện thuận lợi để điều tra viên thực hiện tốt công tác điều tra, thu thập thông tin; các điều tra viên phải thực hiện đúng quy trình, nội dung, đối tượng điều tra theo quy định; các hộ gia đình phối hợp chặt chẽ với điều tra viên, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác tạo điều kiện để cuộc điều tra được thực hiện thành công.

Đây là lần thứ 3 cuộc Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số được tổ chức, lần thứ nhất vào năm 2015; lần thứ 2 vào năm 2019. Năm 2024, cuộc điều tra được thực hiện trên 2 loại phiếu: Phiếu điện tử công nghệ CAPI (đối với phiếu hộ) và kê khai trực tuyến trên Webform (phiếu xã). Cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 01/7/2024 và kết thúc vào ngày 15/8/2024. Trên địa bàn huyện Lâm Bình, trong cuộc điều tra lần này sẽ thực hiện điều tra 1.848 hộ dân tộc thiểu số tại 45 địa bàn, với sự tham gia của 45 điều tra viên.

Sau Lễ ra quân, điều tra viên xã Phúc Sơn đã tiến hành điều tra 2 hộ gia đình tại thôn Bản Chúa và Phia Lài để họp, đánh giá, rút kinh nghiệp

Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc. Kết quả của cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương và các địa phương vùng dân tộc thiểu số có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2025 và định hướng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030 cũng như các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Sau Lễ ra quân Chi cục Thống kê khu vực Na Hang - Lâm Bình đã chia tổ điều tra viên tiến hành điều tra 2 hộ gia đình tại 2 thôn Bản Chúa và Phia Lài, xã Phúc Sơn để họp, đánh giá, rút kinh nghiệp, đồng thời đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số tại địa bàn đảm bảo tiến độ, chất lượng.

 

Thuý Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục