Tết của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Hòa trong không khí sắc xuân đang về, cũng như người Dao ở khắp mọi miền tổ quốc, người Dao đỏ ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, vẫn giữ được những phong tục truyền thống để đón Tết.

Người Dao đỏ chuẩn bị đón tết từ ngày tiễn ông Công, ông Táo lên trời, tức ngày 23 tháng chạp. Khi ấy, lợn đã nuôi lớn, thóc, gạo đã đầy bồ, để chuẩn bị làm những chiếc bánh dày, một trong những loại bánh không thể thiếu với người dao đỏ trong dịp tết. Ai ai cũng hồ hởi, vui mừng, bởi sau một năm lao động vất vả, đây cũng là lúc người dao đỏ nghỉ ngơi, hưởng thụ thành. Mỗi người một việc, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, vào ngày 23 tháng chạp thì cùng nhau dán dấy xanh đỏ, một phần là để trang trí nhà cửa, và cũng để thông báo với thần linh, thổ địa rằng gia đình đang chuẩn bị đón xuân. Lúc này mọi nhu yếu phẩm đã được chuẩn bị, nhưng không thể thiếu chủi đốt. Với người dao đỏ, củi lửa tượng trưng cho sự đầm ấm, hạnh phúc, cho khát vọng về sự no đủ, do vậy củi lửa sẽ cháy suốt trong 3 ngày tết. Với lòng thành hướng về cội nguồn, người Dao rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết. Lễ vật gồm có thịt lợn, thịt gà trống thiến, bánh dày và rượu... Lễ cúng tất niên phải là thầy cúng cao tay, người có uy tín trong cộng đồng. Trước sự có mặt đông đủ của mọi thành viên, thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cúng giải hạn, xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ. Và mời ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho tất cả mọi người trong gia đình, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu, bò, lợn, gà khỏe mạnh sinh xôi phát triển thành đàn.

Người Dao tại xã Thổ Bình, luôn giữ gìn truyền thống của Dân tộc

          Mùa xuân đến các bản làng người Dao đỏ ở nơi đây đã trở nên ấm cúng, vui vẻ hơn bởi những tiếng cười rộn rã, gọi bạn đi chơi Tết của các chàng trai cô gái. Các bà, các mẹ, các chị được diện những bộ váy áo truyền thống đi chơi Tết, và họ cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian truyền thống, những làn điệu páo dung làm say đắm lòng người. Đó là niềm tin, ước vọng cho cuộc sống tươi đẹp, niềm tự hào về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình đã được gìn giữ qua bao đời nay.

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục