Trạm Khuyến Nông huyện Lâm Bình tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình trồng lúa vụ xuân năm 2018, tại thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập

Sáng ngày 21/6/2018, Trạm khuyến nông huyện Lâm Bình đã tổ chức Hội nghị đầu bờ, tổng kết mô hình trồng thử nghiệm giống lúa Thiên ưu 8 trên chân ruộng bậc thang. Dự hội nghị có Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện; lãnh đạo Trạm Khuyến Nông, lãnh đạo UBND xã Xuân Lập cùng toàn thể nhân dân 2 thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng.

Quang cảnh hội nghị

Vụ Xuân 2018, Trạm khuyến nông huyện Lâm Bình đã triển khai thực hiện trồng thử nghiệm lần đầu tiên mô hình lúa thuần trên các chân ruộng bậc thang; những năm trước đây người nông dân ở đây gieo cấy 1 vụ mùa. Nhận thấy việc gieo cấy vụ Xuân là rất cần thiết không chỉ thâm canh tăng vụ mà còn cho người nông dân có thu nhập. UBND huyện đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện đưa giống lúa Thiên ưu 8 vào gieo cấy với diện tích là 2,5ha, trong đó; 1,2ha diện tích tại thôn Khuổi Trang, 1,3ha tại thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập. Để việc gieo mạ và cấy được thuận lợi, Trạm khuyến nông huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cán bộ, nhân viên; tổ chức khảo sát nắm bắt tập quán canh tác của địa phương; cử cán bộ theo dõi từ khâu gieo mạ đến khâu chăm sóc, tưới dưỡng để mạ sinh trưởng và phát triển tốt. Giống lúa Thiên Ưu 8 có chiều cao từ 110 - 115cm, có khả năng đẻ nhánh khỏe, chịu rét, chịu hạn tốt... Lúa có thời gian sinh trưởng từ 125- 130 ngày. Tuy nhiên vào  thời điểm đầu vụ do thời tiết rét đậm rét hại kéo dài, đã gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển, cây mạ sinh trưởng chậm, giai đoạn đẻ nhánh chỉ đạt từ 5,2 – 5,3 số bông/khóm; chiều cao giao động từ 96 đến 105 cm thấp hơn chiều cao so với trung bình từ 5 đến 7 cm. Trong quá trình làm đất, gieo cấy, cán bộ khuyến nông phụ trách đã truyền đạt những kiến thức như; cách chăm sóc cây lúa và phòng trừ sâu hại theo từng giai đoạn. Sau gần 4 tháng chăm sóc; lúa Thiên ưu 8 được trồng thử nghiệm trên chân ruộng bậc thang đã cho thu hoạch. Theo đánh giá của Trạm khuyến nông huyện, giống lúa Thiên ưu 8 phù hợp với thổ nhưỡng cũng như khí hậu vụ Đông - Xuân ở miền núi phía Bắc, đặc biệt là các chân ruộng bậc thang ở nơi đây. Qua quá trình theo dõi mô hình cho thấy, khả năng chịu rét và chống đổ ngã, chống chịu sâu bệnh của lúa tốt, khả năng thích ứng rộng; giống lúa tránh được ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Như vậy lúa thuần Thiên ưu 8 có chiều cao vừa phải, cây gọn, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống gẫy đổ. Tỷ lệ số bông đạt trên 5,25bông/khóm, số hạt trên bông mần trắc, tỷ lệ lép thấp, đạt năng suất sản lượng cao.  Như vậy, nếu được gieo cấy lúa ở vụ Xuân với năng suất bình quân của mô hình là trên 53 tạ/ha; trong thời gian tới 2 thôn thực hiện khoảng 20/39ha diện tích thì mỗi người dân ở nơi đây sẽ có thêm thu nhập; qua trồng thử nghiệm bà con trong 2 thôn đã nhận thức được không chỉ trông trờ vào 1 vụ mùa chính mà còn tận dụng các chân ruộng bậc thang có đủ nước tưới tiêu để trồng lúa Xuân giúp nhân dân có khoản thu nhập đáng kể nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trong vùng; đồng thời tăng hệ số sử dung đất lúa hàng năm. 

Giống lúa Thiên ưu 8 trồng thử nghiệm vụ Đông - Xuân trên chân ruộng bậc thang

Qua đánh giá kết quả trồng thử nghiệm lúa Thiên ưu 8 ở vụ Xuân đầu tiên trên đất ruộng bậc thang của Trạm khuyến nông huyện Lâm Bình cho thấy, tuy năng suất chỉ đạt trên 88% so với tiềm năng của giống, nhưng vẫn đạt ở mức khá và chấp nhận được; như vậy sẽ giúp cho nhân dân nơi đây tăng sản lượng lương thực. UBND xã tiếp tục vận động nhân dân có diện tích chủ động nước tưới cần mở rộng diện tích gieo cấy lúa xuân để nâng cao hệ số sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn, đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở địa phương./.

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục