Lâm Bình phát triển chăn nuôi đại gia súc

Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của địa phương phát triển, những năm qua huyện Lâm Bình đã triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân nên công tác phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc đã có bước phát triển mạnh.

Trước đây người nông dân ở thôn Nà Coóc, xã Bình An chủ yếu chăn nuôi trâu, bò theo hình thức thả rông lên các bãi chăn thả cách xa nhà. Nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở trong thôn đã chuyển đổi sang phương thức nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Gia chị Tráng Thị Nái, ở thôn Nà Cóoc trước đây thường thả trâu lên các bãi chăn thả cho trâu tự kiếm ăn, thỉnh thoảng mới đi kiểm tra, khi đến mùa vụ sản xuất mới đi tìm trâu về cày kéo. Với cách chăn nuôi như vậy trâu lớn rất chậm và hay mắc dịch bệnh làm ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình. Vài năm trở lại đây thấy nhiều hộ gia đình trong thôn, trong xã đã chuyển đổi từ thả rông trâu lên rừng sang chăn nuôi nhốt, chăm sóc tốt cho trâu nên trâu nhanh béo tốt bán được giá cao. Gia đình chị cũng chuyển từ nuôi thả rông sang nuôi nhốt vỗ béo, khi lựa chọn những con trâu về nuôi vỗ béo, chị thường chọn những con trâu gầy nhưng có khung xương to, vóc dáng lớn về nuôi, như vậy sau quá trình nuôi vỗ béo con vật mới có trọng lượng lớn và cho lợi nhuận cao. Quá trình chăn nuôi nhốt tại chuồng chị thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ nên trâu phát triển béo, tốt. Còn về thức ăn cho trâu, chị đã trồng một vườn cỏ VA06 rộng khoảng 400 mét vuông hàng ngày chị chặt về rồi thái nhỏ trộn lẫn với cám ngô và rơm khô mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng và chiều. Với khẩu phần ăn như vậy đàn trâu của gia đình chị đã nhanh béo khỏe và sớm được xuất bán, tăng nhanh vòng quay trong chăn nuôi vỗ béo.


Chị Tráng Thị Nái, thái cỏ VA06 cho trâu ăn 

Để thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển, đặc biệt phát triển kinh tế nông nghiệp lâm nghiệp, huyện Lâm Bình đã nhanh chóng triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nông dân phát triển kinh tế. Thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện Lâm Bình đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo mạnh dạn vay vốn mua trâu về nuôi. Qua thẩm định nhu cầu vay vốn của người dân đến nay toàn huyện có 1.333 hộ có nhu cầu vay vốn để hỗ trợ lãi suất trên 67 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn huyện Lâm Bình, đã có 503 hộ gia đình được vay vốn với số tiền đã giải ngân trên 24 tỷ 8 trăm triệu đồng, đã mua 927 con trâu giống về nuôi. Trong đó, có 406 hộ mua trâu cái sinh sản với 835 con; có 92 hộ gia đình mua trâu đực giống về nuôi.


Chuồng nuôi nhốt trâu vỗ béo

Qua triển khai thực hiện cho vay theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, cơ bản các xã đã thực hiện tốt công tác quản lý đàn trâu, chưa có trường hợp bán trâu, hoặc sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Tính đến hết tháng 8 năm 2017, số trâu sinh sản phát triển thêm là 232 con, theo đó đã tăng tổng đàn trâu của huyện lên trên 9.300 con, đạt 107 % kế hoạch năm. Từ việc triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, đã giúp người dân, đặc biệt là hộ nghèo được vay vốn mua trâu về nuôi để phát triển kinh tế gia đình, có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Cùng với sự quan tâm, triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh thì mỗi người dân cũng cần chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực của mình, khai thác nguồn lực sẵn có ở địa phương qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế của người dân và địa phương phát triển và thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bài, ảnh: Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục