Lâm Bình khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo

Những năm qua, huyện Lâm Bình đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành một trong những ngành sản xuất chính gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Xác định phát triển chăn nuôi là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Lâm Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn, giúp đỡ người dân, đặc biệt là hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng và thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh để người dân có điều kiện mua con giống phát triển chăn nuôi. Gia đình chị Nguyễn Thị Loan ở thôn Bản Kè A, xã Lăng Can là một trong những hộ mới thoát nghèo trong năm 2018 của xã. Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 30a của Chính phủ, gia đình chị Loan đã được hỗ trợ 10 triệu đồng mua trâu cái sinh sản về nuôi. Để con trâu của gia đình phát triển khỏe mạnh, chị Loan đã chuẩn bị đầy đủ thức ăn như cây ngô, cỏ voi và thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho trâu trong những ngày nhiệt độ giảm thấp. Đây là sinh kế quan trọng giúp gia đình chị Loan có cơ hội thoát nghèo bền vững trong những năm tiếp theo. 

Từ các chương trình, dự án nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua con giông về nuôi

Theo thống kê, tổng đàn gia súc trên địa bàn toàn huyện có trên 40.000 con, trong đó, đàn trâu có 8.043 con, bò 1.842 con, lợn 25.512 con, dê 4.605 con. Để người dân phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia súc, hướng tới giảm nghèo bền vững, thời gian qua huyện Lâm Bình đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm hỗ trợ người dân như: Nghị quyết 30a của Chính phủ, Nghị quyết số 10, số 12 của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhân rộng các mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo ở các xã Bình An, Thượng Lâm, chăn nuôi lợn đen ở xã Hồng Quang và chăn nuôi dê ở xã Thổ Bình. Cùng với việc tạo điều kiện về vốn để người dân phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, huyện Lâm Bình còn quy hoạch các vùng chăn thả tập trung, khuyến khích trồng cỏ, gia cố chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo gia súc không bị bệnh và đói rét về mùa đông. Từ việc phát triển chăn nuôi gia súc, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã có công ăn việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. 

Huyện Lâm Bình quan tâm nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo ở một số địa phương có lợi thế trên địa bàn huyện

Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa của huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài sự biến động về giá, việc chăn nuôi ở huyện còn phát triển với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Để chăn nuôi thực sự trở thành hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, huyện Lâm Bình tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi con giống, cải tiến phương thức chăn nuôi; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay để xây dựng chuồng trại, mua con giống; đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ cho các hộ gia đình...

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục