Hội Nông dân huyện Lâm Bình đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, kết hợp với chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Những năm qua, “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được triên khai tại các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện, đã từng bước giúp người nông dân thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi nâng cao mức thu nhập. Qua đó, góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện có hiệu công tác giảm nghèo hàng năm và chung sức xây dựng nông thôn mới.

Hưởng ứng Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, những năm qua anh Đặng Văn Lâm ở thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình đã nhạy bén, sáng tạo lựa chọn cho gia đình mình mô hình phát triển kinh tế tổng hợp đó chăn nuôi trâu vỗ béo, kết hợp nuôi giun quế để chăn nuôi cá và gà. Theo như anh Lâm cho biết: Anh thực hiện mô hình nuôi trâu vỗ béo từ năm 2018, với mỗi lứa nuôi từ 20 đến 25 con trâu. Đồng thời, tích cực trồng, chăm sóc 7.000 mét vuông giống cỏ VA06, cỏ Pắc Chông làm thức ăn chăn nuôi. Đến nay, trung bình mỗi năm anh xuất bán 5 lứa trâu, tổng thu nhập trên 160 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Bên cạnh đó, anh Lâm còn nuôi giun quế để xử lý chất thải từ phân trâu, đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chuyển hóa từ phân gia súc khó tiêu thành phân hữu cơ bón cho cây trồng và cỏ làm thức ăn chăn nuôi trâu, cùng với đó tạo ra một lượng thức ăn đạm động vật từ giun quế cung cấp cho chăn nuôi gà, cá. Hiện nay, mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Lâm đang được nhiều hội viên nông dân trong và ngoài xã đến học tập làm theo. 

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của hội viên Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình đã và đang phát huy hiệu quả

Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Lâm Bình đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức và hướng dẫn hội viên nông dân đăng ký các danh hiệu thi đua theo đúng quy định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, xem đây là một trong những chỉ tiêu để xét xếp loại thi đua hằng năm. Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã chủ động xây dựng các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp, tích cực vận động hội viên, nông dân chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Hiện nay, Hội đang trực tiếp quản lý và cho hội viên vay 374 con trâu, bò cái giống sinh sản theo các Quyết định 530; 1431; 141; 283 của Ủy ban nhân dân tỉnh bằng hình thức vay bò trả bê. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ nông dân vay vốn, phát triển sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi tại 70 thôn bản, giúp hội viên có thêm kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Với nhiều cách làm thiết thực, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã thu hút, khích lệ nhiều hộ nông dân phát huy ý chí tự lực, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và nội lực gia đình để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm trở lên. Đến nay, toàn huyện có 1.748 hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, cấp xã 1.552 hội viên, cấp huyện 162 hội viên, cấp tỉnh 31 hội viên, cấp trung ương 3 hội viên. 

Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm cao, nhận thức của hội viên còn hạn chế nhưng để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, bằng cách xây dựng các mô hình kinh tế điển hình ở nông thôn; ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản…Từ đó, giúp hội viên nâng cao mức thu nhập, giảm nghèo bền vững và góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế ở địa phương.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục