Gương thanh niên khởi nghiệp từ cây tre

Từ ngàn xưa, người dân Việt đã biết sử dụng tre trong cuộc sống hàng ngày, từ những vật dụng nhỏ nhoi tới vật liệu làm nhà, cung cấp măng làm thức ăn… Nhưng để làm giàu từ cây tre thì ít người có thể thành công. Ở một làng quê miền núi thuộc xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình có một chàng thanh niên đã mạnh dạn sáng tạo ra những sản phẩm từ cây tre để làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho lạo động địa phương.

Sinh ra ở một làng quê nghèo nhưng anh Chẩu Thanh Phương lại có tư duy và ý tưởng sáng tạo rất táo bạo để khởi nghiệp trên chính làng quê của mình. Với ý tưởng là duy trì và phát triển giá trị từ tri thức bản địa truyền thống thông qua việc làm các sản phẩm từ cây tre. Biến những cây tre giá trị kinh tế thấp thành những sản phẩm có giá trị cao trên thi trường, qua đó tạo việc làm ổn định cho thanh niên địa phương, đảm bảo cuộc sống từ việc khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên tại chỗ. Đồng thời tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng thay thế dần cho các sản phẩm từ nhựa, các sản phẩm dùng một lần gây nguy hại tới môi trường sống của con người và các loài sinh vật trong tự nhiên. Góp phần thay đổi tư duy, lối sống của người dân trong chuyển đổi sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường… Với những suy nghĩ đó, anh Chẩu Thanh Phương, ở thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà đã nảy ra ý tưởng làm ra các sản phẩm như: cốc, chén, đũa, thìa, bàn, ghế, giường… bằng cây tre.

Sản phẩm cốc tre của anh Chẩu Thanh Phương, HTX An Nhiên Phát, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Binh

Ý tường khởi nghiệp từ cây tre của anh Phương ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khi mới bắt tay vào làm do chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra thường bị mốc, nứt, vỡ… còn một số người trong làng thì cho rằng anh đang đi ngược với thời đại, vì bây giờ không còn ai dùng tre để làm cốc, chén nữa, đôi lúc anh đã có ý định từ bỏ.

THX của anh Phương đã tạo việc làm cho 10 lao động ở địa phương

Nhưng với quyết tâm đưa sản phầm từ lũy tre làng vươn ra phố lớn, anh phương đã tự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để đi đến thành công. Trải qua nhiều công đoạn những sản phẩm từ cây tre của anh đã khảng định được giá trị và chỗ đứng trên thị trường. Ban đầu anh làm ra những sản phẩm này với mục đích cung cấp cho các điểm du lịch cộng đồng Homestay trên địa bàn huyện, sau khi sử dụng được du khách rất ưa chuộng và nhu cầu đặt mua ngày một tăng lên, anh Phương đã thành lập xưởng chế biến các sản phẩm từ tre. Hiện nay anh đang tạo việc làm cho 10 lao động ở địa phương, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 3 đến 4 triệu đồng/ người/tháng. Cùng với đó, anh còn tiêu thụ nguồn nguyên liệu tre thường xuyên cho người dân trong vùng.

Sản phẩm được làm từ cây tre được khách du lịch rất ưa chuộng

Đến năm 2017, anh Phương đã mạnh dạn thành lập HTX có tên là An Nhiên Phát chuyên chế biến sản phẩm từ cây tre. Hiện nay HTX  của anh đã mở 4 đại lý ở các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố HCM, Đà Nẵng… với doanh số tháng từ 400 đến 500 sản phẩm, tương đương với khoảng 1.200 đến 1.500 sản phẩm được xuất ra thị trường. Doanh thu đạt khoảng 50 đến 70 triệu/ tháng. Với những ý tưởng sáng tạo rất táo bạo, biết tận dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, bước đầu khởi nghiệp của chàng thanh niên trẻ tuổi đã mang lại thành công. Qua đó góp phần nâng tầm giá trị của cây tre Việt Nam.

Khách hàng thăm quan cơ sở chế biến của anh Phương

Với ý tưởng sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, mong rằng anh Phương sẽ tiếp tục mang đến thành công để mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn miền núi. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy thanh niên ở nông thôn mạnh dạn khởi nghiệp trên chính quê hương mình./.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục