Tổ hợp tác mây, tre đan thôn Nà Khau, xã Minh Quang phát huy hiệu quả

Nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Minh Quang, huyện Lâm Bình đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh theo nhóm cùng sở thích, tạo việc làm cho người lao động. Điển hình trong đó có tổ hợp tác mây, tre đan của chị em phụ nữ thôn Nà Khau đang phát huy hiệu quả kinh tế.

Trung bình mỗi tháng, các thành viên trong tổ hợp tác mây, tre đan của chị em phụ nữ thôn Nà Khau sản xuất được hơn 500 sản phẩm các loại gồm: cơi, làn, nón…được làm từ các nguyên liệu như tre, nứa, mây, giang, guột... sẵn có ở địa phương. Mỗi sản phẩm ở đây có giá bán từ 30 đến 200 nghìn đồng/chiếc tùy vào từng loại mẫu mã, kích thước. Sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu, nghề mây, tre đan đem lại thu nhập cho mỗi thành viên trong tổ từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho gia đình. 

Chị em phụ nữ Tổ hợp tác mây, tre đan Nà Khau, xã Minh Quang tập trung hoàn thiện sản phẩm cho khách hàng

Nhận thấy mặt hàng mây, tre đan có tiềm năng tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh, lại tận dụng được thời gian lúc nông nhàn nên các chị em cùng sở thích ở chi hội phụ nữ thôn Nà Khau đã quyết định thành lập tổ hợp tác vào tháng 8/2020, với 16 hội viên tham gia. Đến nay, tổ đã có thêm 2 thành viên cùng tham tham gia sản xuất. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, thông qua mạng xã hội facebook, zalo, tổ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Hà Nội, Thái Nguyên… Do đây là nghề không kén lao động nên phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể đan được các sản phẩm mây, tre đơn giản tại nhà vào bất cứ lúc nào. Hiện tại, nhiều sản phẩm của tổ hợp tác đã có mặt ở tại một số điểm du lịch cộng đồng trong huyện và nhiều nơi lân cận. Mặc dù chưa là nghề chính song mây, tre đan đang là nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều lao động, trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu đầy triển vọng. 

Sản phẩm của chị em làm ra có giá bàn từ 30 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/ chiếc, tùy thuộc vào từng loại sản phẩm

Sử dụng mạng xã hội facebook, zalo hiệu quả, đã giúp Tổ hợp tác quảng bá được sản phẩm và kết nối thuận lợi với khách hàng

Ngoài việc đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, các thành viên trong tổ luôn tích cực tham khảo, học hỏi, nâng cao tay nghề, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới để áp dụng. Đồng thời, tích cực tìm kiếm thêm đơn vị bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục