Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với công tác giảm nghèo ở huyện Lâm Bình

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần trong việc nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của hội viên, nông dân. Trong thời gian qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Lâm Bình đã triển khai thực hiện tốt Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia.

Mô hình nuôi cá đặc sản của gia đình ông Nguyễn Văn Hòa

Điển hình như mô hình nuôi cá thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, ở thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm; ông Hòa đã đầu tư nuôi cá đặc sản như: Rầm xanh, Anh vũ, cá Bỗng, cá Trắm, cá Nheo, cá Chép… mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Từ năm 2016 đến nay đã có 16.390 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; 8.215 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 50% so với hộ đăng ký; kết quả bình xét hàng năm, năm sau cao hơn năm trước, năm 2016 có 1.523 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, thì đến cuối năm 2020 có 1.906 hộ đạt danh hiệu (tăng 383 hộ so với năm 2016). Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động. Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, cho 50 hộ hội viên vay để thực hiện 5 dự án chăn nuôi tại 5 xã và quản lý có hiệu quả các nguồn vốn vay để phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn trên địa bàn. Thực hiện ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ là gần 70 tỷ đồng, với 1.470 thành viên/35 tổ TK&VV/8 cơ sở Hội; phối hợp với Agribank chi nhánh huyện Lâm Bình thành lập và duy trì hoạt động 52 tổ liên kết vay vốn, với 1.406 thành viên tham gia, tổng dư nợ trên 81 tỷ đồng.  Phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 1.563 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 55.350 lượt hội viên, nông dân; Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức được 19 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 662 hội viên, con em hội viên, nông dân trên địa bàn huyện.

Mô hình nuôi trâu nhốt vỗ béo 

Hội viên nông dân phát triển chăn nuôi lợn đen

Kết quả thực hiện phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững có hiệu quả đã xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình như mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Hải, thôn Lũng Luông, xã Hồng Quang; mỗi lứa nuôi từ 150 đến 200 con lợn. Nhiều hộ đã kết hợp sản xuất, chăn nuôi gắn với kinh doanh các mặt hàng nông sản đem lại lợi ích thu nhập như hộ bà Ma Thị Hoa, thôn Nà Bó xã Thổ Bình, bà Phạm Thị Minh, thôn Nà Bản xã Thượng Lâm, mô hình chăn nuôi vịt lấy trứng trên lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang của hộ bà Nguyễn Thị Bích, ở thôn Nà Thuôn xã Thượng Lâm, mô hình trồng rau Bò khai của ông Quan Văn Miền, Chi hội trưởng Nông dân thôn Nà Thuôn xã Thượng Lâm... Nhiều mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi kết hợp Vườn, Ao, Chuồng đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao; Tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng của phong trào.

Mô hình nuôi dê thương phẩm

Trung tâm thị trấn Lăng Can, (Lâm Bình) ngày càng khởi sắc.  (Ảnh Vũ Kiên)

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên, nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, biết sử dụng lao động một cách hợp lý, sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên làm giàu. Phong trào đã tác động mạnh mẽ tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm nông – lâm - ngư nghiệp có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Trung Kiên - Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục