Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Uỷ ban Chuyển đổi số quốc gia năm 2022

Sáng 25-12, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Đồng chủ trì có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an;

Dự và chỉ đạo tại điểm cầu huyện Lâm Bình có đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh uỷ viên, Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện và Tổ trưởng, tổ phó Tổ giúp việc cho BCĐ chuyển đổi số huyện; Tổ trưởng, tổ phó tổ giúp việc Đề án 06; Lãnh đạo UBND, Trưởng công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện dự và chủ trì

tại điểm cầu huyện Lâm Bình

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị thẳng thắn đánh giá, chỉ ra tồn tại, hạn chế trong công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06. Thủ tướng đề nghị các ngành, địa phương chia sẻ những kinh nghiệm hay, giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06; xác định rõ quan điểm, định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới cũng như trong dài hạn.

Thực hiện Đề án 06, Tổ công tác của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ và đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 ngày càng đầy đủ, toàn diện; người dân, doanh nghiệp nhận thấy rõ ràng hơn những tiện ích do chuyển đổi số mang lại. Việc kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư, từng bước hình hành các cơ sở dữ liệu lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Hành lang pháp lý đã và đang dần được hoàn thiện.

Đại biểu các bộ, ngành, các địa phương đã tập trung thảo luận, phân tích, chỉ  ra những tồn tại, hạn chế, những rào cản cần tập trung tháo gỡ để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số; nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu chính quyền trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác chuyển đổi số ở ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; nhấn mạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần trong công tác chuyển đổi số, nhất là người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh, công tác chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, người dân được hưởng thụ một cách thực chất và hiệu quả. Mọi chính sách hướng đến người dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chuyển đổi số; nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nội dung quan trọng này. Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số là vấn đề mới, vấn đề khó, trong quá trình thực hiện cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm, thành quả của quốc tế, áp dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Công tác chuyển đổi số phải thực chất, huy động các nguồn lực để thực hiện, làm từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp, đảm bảo dữ liệu được cập nhật là dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong năm 2023 các bộ ngành, địa phương tập trung các giải pháp để cả nước không còn thôn, bản thiếu sóng internet, thiếu điện để mọi người dân được tiếp cận với internet, có điện sử dụng, tạo cơ hội cho mọi người dân bình đẳng, được tiếp cận các dịch vụ trực tuyến./.

Kim Thoa

Tin cùng chuyên mục