Lâm Bình tưng bừng Lễ hội Lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc Xuân Kỷ Hợi năm 2019

Sáng ngày 16/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại Sân vận động Bản Kè B, xã Lăng Can, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lâm Bình đã tổ chức khai mạc Lễ hội Lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Sáng Vang, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Tạ Đức Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Hải Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố và một số tỉnh khu vực phía Bắc, đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh cùng bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Bình.

Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, khắp mọi nơi trên đất nước ta Lễ hội truyền thống của các dân tộc lại được tổ chức long trọng. Lễ hội mùa xuân có ý nghĩa tâm linh cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn phát đạt, mọi người dân bình an, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Có thể nói mùa Xuân là mùa của Lễ hội. Đối với đồng bào các dân tộc ở huyện Lâm Bình, không biết từ bao giờ cứ vào khoảng từ ngày 10 đến 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Lễ hội Lồng Tông, tiếng tày nghĩa là “ Lễ hội Xuống đồng lại được diễn ra trong không khí vui tươi phấn khởi. Đây là hoạt động văn hóa vui xuân thực sự có ý nghĩa sau một năm lao động vất vả, nhọc nhằn trên đồng ruộng, nương rẫy, bà con ở các bản làng trong huyện cùng nhau hướng về sân vận động trung tâm huyện để cùng tham gia vào Lễ hội. Trong tiết trời ấm áp của mùa xuân được chứng kiến không khí ngày hội xuân càng thêm phấn khởi, đông vui. Nhân dân các dân tộc ở huyện Lâm Bình trong những bộ trang phục truyền thống các dân tộc đã nô nức kéo nhau về chảy Hội đã tạo nên một không khí náo nhiệt của ngày hội đầu xuân. Tiếng cười, tiếng nói và những lời chào, lời thăm hỏi ân cần của những người bạn, người thân lâu ngày gặp lại nhau, xen lẫn với những làn điệu hát cọi, hát then của các dân tộc đã tạo cho không khí ấn tượng trong lòng mỗi người dân.  Mở đầu cho ngày hội là phần Lễ, đúng 8 giờ Lễ hội được tiến hành, mở đầu là thủ tục rước lễ, các mâm lễ đại diện của Huyện ủy, HĐND, UBND, các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp, các xã trên địa bàn huyện chuẩn bị chu đáo, tập trung tại khu vực Đền Pú Bảo để rước ra sân vận động nơi diễn ra lễ hội để làm thủ tục cúng thần linh, trời đất, núi, sông, những lễ vật mà những người con huyện Lâm Bình dâng lên đều thể hiện lòng thành của mỗi người dân cầu mong một năm mới được mạnh khoẻ, gia đình hạnh phúc, mùa màng tốt tươi. Hội Lồng Tông là Lễ hội cầu may, cầu mùa, là dịp để nhân dân các dân tộc tri ân trời đất, tri ân tổ tiên dòng họ, ông, bà, cha, mẹ, những người đã khai phá ra những mảnh ruộng đầu tiên và truyền dạy việc nuôi trồng, cấy hái, sự sinh khắc chuyển vần của ngũ hành, của trời đất, của nắng mưa, sương gió, của mồ hôi lao động đã tạo nên những sản vật quý giá để nuôi sống con người…

Lễ cúng cầu may, cầu mùa là nghi thức quan trọng nhất tại Lễ hội

Nghi thức cày “Tịch điền” để lấy may, lấy phúc cho dân khang, vật thịnh

Với ý nghĩa đó, hàng năm vào dịp Lễ hội nhân dân  các dân tộc trong huyện lại chuẩn bị một mâm cỗ với đầy đủ các sản vật của địa phương do chính những bàn tay khéo léo, chịu thương, chịu khó của nhân dân các dân tộc trong huyện làm ra đem dâng lên trời đất, thần linh.  Đặc biệt, còn có những hạt giống, theo quan niệm của bà con nơi đây, hạt giống tạo nên mùa màng, tạo ra sản phẩm lương thực cho con người. Sau lễ cúng thần linh, trời đất, Ban tổ chức thực hiện nghi thức cày “Tịch điền” để lấy may, lấy phúc cho huyện Lâm Bình ta dân khang, vật thịnh. Trong Lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình, việc phục dựng phong tục cày ruộng càng có ý nghĩa hơn khi cả nước ta đã và đang triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”. Nông nghiệp không chỉ đóng góp một phần quan trọng vào kinh tế quốc dân, nông nghiệp còn chứng minh là nền tảng cho sự đảm bảo đời sống của người dân vùng lúa nước theo suốt chiểu dài lịch sử.

Lãnh đạo các cấp về dự Lễ hội

Nhân dân và du khách về dự Lễ hội

Sau khi  nghe đồng chí Nguyễn Hồng Trang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chúc phúc, các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND , UBMTTQ huyện đã phát lộc cho nhân dân và du khách đến dự Lễ hội để ai cũng được may mắn trong năm mới. 

Lãnh đạo tỉnh, huyện phát lộc đầu năm cho du khách và nhân dân

Tiếng trống khai hội vang lên, những quả còn được các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh,  lãnh đạo huyện cùng nhân dân và du khách đã cùng nhau tung lên để tranh tài và thử vận may của mình.  Những quả còn tung lên đã tạo cho không khí lễ hội càng thêm sôi động, náo nhiệt, tạo nên vẻ đẹp huyền bí, tâm linh ở miền sơn cước. So với mọi năm, năm nay phần tung còn diễn ra nhanh chóng hơn, chỉ trong khoảng thời gian 10 phút sau tiếng trống khai hội vòng tròn trên cây còn đã được tung thủng. Theo quan niệm còn được tung thủng sớm sẽ báo hiệu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân ấm no, an lành, hạnh phúc… 

Màn đồng diễn tại Lễ hội

Cùng với các hoạt động rước lễ, tung còn, Lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đánh yến, đánh bam, kéo co, đẩy gậy, đi kà kheo, đánh bóng chuyền và không thể thiếu những bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây. Không khí thật tưng bừng náo nhiệt khi du khách gần xa được cùng nhau hòa mình vào những trò chơi, những làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc. Cùng tìm hiểu và mua sắm những sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương… So với mọi năm, Lễ hội năm nay có thêm trò chơi mới là hội thi bắt cá suối đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham ra tạo cho không khí ngày hội càng thêm sôi nổi, hào hứng.

Nhân dân và du khách sôi nổi, hào hứng tham gia hội thi bắt cá suối

Việc duy trì các Lễ hội truyền thống của dân tộc trong dịp Tết đến, Xuân về sẽ  giúp cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện có điểm vui chơi bổ ích, đặc biệt đây cũng là hoạt đông góp phần tích cực vào việc giáo dục cho thế hệ trẻ biết giữ gìn và phát huy những giá trị, nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo của dân tộc./.

Đài TT - TH Lâm Bình

Tin cùng chuyên mục