Lăng Can hoàn thành tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng NTM

Để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12% theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị xã Lăng Can đã tập trung chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập để giảm nghèo. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của người dân đến nay Lăng Can đã hoàn thành tiêu chí giảm nghèo theo kế hoạch.

Xác định tiêu chí giảm nghèo là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong chương trình xây dựng nông thôn mới, do vậy cấp ủy, chính quyền xã Lăng Can đã chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện thực hiện các mô hình trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, ngành nghề thủ công truyền thống nhằm phát huy lợi thế của từng thôn trên địa bàn xã.  Thực hiện Nghị quyết số 12 của Hội đồng nhân dân tỉnh xã đã hướng dẫn được 42 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn nuôi trâu sinh sản với 76 con trâu; Thực hiện Nghị quyết số 34a của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện đến năm 2020. Xã đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động, hỗ trợ vốn, giống và khoa học kỹ thuật cho các hộ gia đình thực hiện các loại cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định; một số cây, con đã thực hiện cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch theo từng năm đề ra như: Cây Bò khai, Giảo cổ lam và một số con vật nuôi như gà địa phương, lợn đen, dê và vịt bầu địa phương đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, xã còn tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ lên tới trên 46,8 tỷ đồng.

Cấp dê giống cho hộ nghèo

Công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2011 đến nay xã đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông huyện tổ chức được 16 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi như: Chăn nuôi lợn đen sinh sản, chăn nuôi vịt đẻ trứng, chăn nuôi gà... Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa cách sử dụng phân viên nén dúi sâu... với 1.820 lượt người tham gia. Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cũng được xã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương. Năm 2018, xã đã tổ chức được 9 lớp đào tạo nghề cho 295 học viên với các nghề như sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy, máy công nghiệp... Ngoài ra còn giới thiệu hằng trăm lượt người đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước. Đến nay tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,7%.

Được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách nhiều hộ gia đình đã đầu tư chăn nuôi trâu

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của chính người dân tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 54,46% năm 2016 xuống còn 11,7% năm 2018. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã Lăng Can chỉ đạt khoảng 8,4 triệu đồng/người/năm thì đến nay thu nhập của người dân được nâng lên trên 30 triệu đồng/người/năm. 

Mô hình trồng rau sạch tại thôn Nà Mèn, xã Lăng Can

Với sự quan tâm của các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện cùng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể của địa phương, sự nỗ lực của người dân công tác giảm nghèo ở xã Lăng Can đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mặc dù tiêu chí giảm nghèo và thu nhập đã đạt theo quy định nhưng chưa thực sự bền vững. Để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí này thời gian tới xã cần tiếp tục lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước và phát huy nội lực từ nhân dân để duy trì bền vững các tiêu chí đã đạt được, tiến tới xây dựng xã Lăng Can phát triển trở thành đô thị loại V vào năm 2020./.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục