Lâm Bình khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, nhất là sự đồng lòng, hưởng ứng của nhân dân, huyện Lâm Bình đã lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở Lâm Bình đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tình thần của người dân từng bước được nâng lên.

Chúng tôi có mặt tại xã Khuôn Hà, một trong 3 xã của huyện Lâm Bình đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy rõ những đổi thay đáng mừng của vùng quê này. Đường giao thông liên thôn, giao thông nội đồng, đường ngõ xóm được bê tông hóa. Hệ thống kênh mương thủy lợi được lắp đặt bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn và kiên cố hóa đạt 96%, đáp ứng nhu cầu tưới chắc cho 100% diện tích đất 2 vụ lúa. Trạm y tế, nhà văn hóa thôn và hệ thống các trường học đều đã được đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp. Đặc biệt, đời sống của nhân dân đã từng bước được nâng cao. Hiện nay, xã Khuôn Hà đang duy trì và thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế như: Chăn nuôi lợn đen, trâu bò sinh sản; vịt siêu trứng, chăn nuôi dê và trồng cây rau bò khai. Số lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước ngày càng tăng lên, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của toàn xã lên 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,95%. 

Diện mạo nông thôn của các xã được đổi thay rõ nét từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là có sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, đến nay, huyện Lâm Bình đã có 3/8 xã là Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can đạt chuẩn nông thôn mới. Số xã còn lại bình quân đạt 13,4 tiêu chí, tăng 9,9 tiêu chí so với năm 2011. Hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn từng bước được đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại, khép kín, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống nhân dân. Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương. Trên địa bàn huyện hiện có 50 hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó, có 20 HTX nông, lâm nghiệp và thủy sản. Một số vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa được xây dựng và phát huy hiệu quả nhờ mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Qua đánh giá sơ bộ, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nhưng huyện Lâm Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với một số tiêu chí khó thực hiện như: Hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, giảm nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2019, huyện Lâm Bình tập trung chỉ đạo các xã thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xây dựng 3 công trình vệ sinh, thành lập các tổ, nhóm tự quản, vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom, xử lý rác thải và đẩy mạnh công tác kiểm tra việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, triển khai xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 thôn của các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Người dân Lâm Bình ngày càng chú trọng phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa

Dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhưng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, các xã trên địa bàn huyện vùng cao Lâm Bình sẽ về đích nông thôn mới theo đúng lộ trình, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra: Đưa Lâm Bình sớm thoát khởi tình trạng kém phát triển.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục