Du xuân trên quê hương Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Với tiềm năng du lịch phong phú, những năm qua, huyện Lâm Bình, đã có chủ trương phát huy lợi thế của các di tích danh thắng Quốc gia và các điểm du lịch sinh thái tuyệt đẹp làm điểm nhấn, qua đó Lâm Bình, thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Đặc biệt là dịp đầu năm này, Lâm Bình sẽ tổ chức nhiều hoạt động Lễ hội xuân.

Được thiên nhiên  ban tặng cho Lâm Bình, hệ sinh thái đa dạng với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Nổi bật là 99 ngọn núi ở xã Thượng Lâm, được ví như “Hạ Long cạn giữa đại ngàn” gắn với truyền thuyết về Phượng hoàng bay về làm tổ. Khuôn Hà, thôi thúc du khách ưa mạo hiểm, khám phá với những hang động Khuổi Pín, động Song Long, hang Hát Dường. Hồng Quang đưa du khách trải nghiệm lễ hội nhảy lửa truyền thống của người Pà Thẻn. Lăng Can níu chân người đi bởi tiếng đàn tính trong điệu then Tày và lễ hội Lồng tông. Năm 2017, Lâm Bình đã thu hút gần 35.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, con số này tăng gấp hai lần so với năm 2016.

           Những ngọn núi đá ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, được ví như “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”

Du lịch văn hóa tâm linh cũng là một trong những tiềm năng lớn của huyện Lâm Bình, hiện nay trên địa bàn còn lưu giữ được những ngôi đền, chùa có niên đại từ khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao, trong đó phải kể đến là ngôi chùa Phúc Lâm ở xã Thượng Lâm và ngôi đền Pú Bảo ở xã Lăng Can. Song song với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh thắng quốc gia, hiện nay huyện còn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Mông, Dao, Pà thẻn...  

Khách du lịch thăm quan các dụng cụ, nông cụ truyền thống phục vụ sản xuất của các dân tộc được trưng bày tại các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng Homestay

Những năm gần đây, huyện Lâm Bình, đã quan tâm khôi phục các lễ hội truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, trong đó lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn xã Hồng Quang, là một trong những lễ hội đã thu hút sự quan tâm, tò mò, khám phá của người dân và du khách gần xa. Lễ hội mang màu sắc tâm linh và huyền bí nhưng cũng là minh chứng cho sức mạnh và quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của bản làng người Pà Thẻn với ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác. Lễ hội nhảy lửa giờ đây được tổ chức ở quy mô cấp huyện không chỉ giúp đồng bào dân tộc Pà Thẻn giữ gìn được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà còn thúc đẩy việc phát triển mạng lưới du lịch ở địa phương.

Lễ hội nhảy lửa của người dân tộc Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình

Khách du lịch thăm quan, trải nghiệm thác Khuổi Nhi

Để du lịch bền vững, năm 2017, Lâm Bình đã đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng (hometay). Hiện nay, mô hình du lịch này đã được các hộ gia đình triển khai có hiệu quả, thu hút du khách. Để có những giải pháp cụ thể cho việc phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng homestay, cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình, đã chỉ đạo cho các ban ngành có liên quan định hướng cho những hộ gia đình có ý tưởng làm du lịch cộng đồng, đồng thời quy hoạch lại các vùng du lịch, chú trọng phát triển và tái tạo các giá trị văn hóa của các dân tộc đã bị mai một và hướng dẫn người dân làm du lịch bền vững, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, vật chất kỹ thuật để phục vụ cho du lịch, như vậy thì du lịch Lâm Bình mới phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang tiếp đón khách du lịch  nước ngoài

Mùa xuân này, bà con nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình, lại háo hức mong chờ Lễ hội lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình, Xuân Mậu Tuất năm 2018, được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 15 tháng Giêng. Tại lễ hội sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ. Tổ chức các  gian hàng triển lãm, trưng bày và bán sản phẩm văn hóa truyền thống các dân tộc sinh sống trên địa bàn: Tày, Dao, Mông, Thủy, Pà Thẻn,…  gồm: Trang phục dân tộc, công cụ, dụng cụ sinh hoạt, lao động sản xuất truyền thống hằng ngày, sản phẩm thủ công, thổ cẩm, mỹ nghệ, trang sức, nhạc cụ,…  Ngoài ra còn tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, hứa hẹn sẽ là điểm nhấn thu hút du khách đến với Lâm Bình.

Khách du lịch giao lưu văn nghệ với người dân địa phương tại các điểm du lịch cộng đồng Homestay ở Lâm Bình
 

Lễ hội Lông tông truyền thông của đồng bào dân tộc Tày, được tổ chức vào tháng giêng hằng năm

Với những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân gian các dân tộc vùng cao, tin rằng Lễ hội Lồng tông Xuân Mậu Tuất và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình năm 2018 này sẽ hấp dẫn du khách gần xa và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và du khách có dịp du xuân đến mảnh đất vùng cao Lâm Bình.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục