Trường PTDT bán trú THCS Xuân Lập Nâng cao chất lượng dạy và học

Với đặc thù là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, điều kiện kinh tế của đại bộ phận người dân cũng như hệ thống giao thông còn hết sức khó khăn, đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục trong thời gian qua. Chính vì vậy, khi mô hình học bán trú được đưa vào hoạt động trong thời gian qua, đã giúp ngành giáo dục huyện vùng cao Lâm Bình giải quyết cơ bản vấn đề huy động học sinh tới trường, duy trì sĩ số và từng bước nâng cao được chất lượng dạy và học

Năm học 2017 – 2018 trường PTDT bán trú THCS Xuân Lập có 141 em học sinh, đa số các em là người dân tộc Mông, Dao,... Để nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì sỹ số ổn định, đội ngũ cán bộ, giáo viên trường PTDT bán trú THCS Xuân Lập đã không quản ngại khó khăn, vất vả đến từng hộ gia đình để vận động các em đến trường. Đặc biệt là các em đầu cấp, do nhà xa trường các em đều ở bán trú. Chính vì vậy đội ngũ cán bộ giáo viên trong nhà trường đã học tiếng Mông tiếng Dao để giao lưu, trò chuyện, động viên các em yên tâm học tập. Đối với các em ở bán trú mỗi tháng các em được hỗ trợ 15kg gạo và 460 nghìn đồng. Nhờ có những biện pháp thiết thực, trong những năm học vừa qua; tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh đến trường luôn đạt 100%, nhiều em đã khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên trở thành học sinh khá, giỏi trong học tập. 


Giờ học của các em học sinh

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức rà soát phân loại đối tượng học sinh; tổ chức dạy học theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của giáo viên và học sinh; phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm.


Ngoài giờ học các em học sinh ở Bán trú tích cực chăm sóc vườn rau

Trong thời gian tới, Trường PTDT bán trú THCS Xuân Lập, tiếp tục đổi mới công tác quản lý và phương pháp giảng dạy; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài giúp các em học sinh dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh gia đình khó khăn có điều kiện đến trường học tập; tích cực tuyên truyền, giáo dục ý thức, đạo đức, truyền thống tôn sư trọng đạo, nêu gương người tốt, việc tốt, vượt khó vươn lên trong học tập góp phần hình thành nhân cách đạo đức cho các em nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Bài/Ảnh: Trung Kiên – Tạ Thành

Tin cùng chuyên mục