Lâm Bình nâng cao chất lượng sản phẩm rượu ngô men lá

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao Lâm Bình chưng cất rượu ngô men lá không chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình và để tiếp đãi khách quý, mà nấu rượu ngô đã trở thành nghề phụ tạo thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Hiện nay, loại rượu này đã tạo được uy tín trên thị trường và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây cũng là một trong những sản phẩm đã được huyện Lâm Bình lựa chọn đưa vào lộ trình thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với thu nhập từ sản xuất, chăn nuôi, hơn 10 năm qua nghề phụ nấu rượu ngô men lá đã giúp gia đình chị Chẩu Thị Lê ở thôn Nà Vàng, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình có thêm nguồn thu nhập đáng kể, đủ chi các khoản phí sinh hoạt hằng ngày. Tận dụng bã ngô sau nấu rượu, chị Lê tiếp tục phơi khô dùng làm thức ăn để chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, chị là một trong những thành viên của Tổ nấu rượu ngô men lá xã Khuôn Hà. 

Gia đình chị Chẩu Thị Lê kết hợp nầu rượu với chăn nuôi

Rượu ngô men lá Lâm Bình chất lượng cao có hương vị rất đặc biệt, thơm dịu, uống êm, không bị sốc, không đau đầu, do các hộ sử dụng men lá được pha chế từ 6 vị thảo dược chính và 30 vị thảo dược phụ, lấy từ trên rừng về rửa sạch, băm nhỏ, phơi khô rồi mang trộn đều chúng lại với nhau, giã nhỏ và đem đun. Sau đó ủ hỗn hợp đó khoảng 1 tháng cho lên men, khi đã có mùi thơm, đem nặn thành từng quả bằng miệng bát con đem phơi khô, cất lên gác bếp để sử dụng dần. Rượu ngô được ủ trong chum càng để lâu càng có mùi thơm dịu nhẹ dễ uống. Đến nay, chất lượng rượu ngô men lá của Lâm Bình luôn ổn định, giữ nguyên hương vị.

Men ủ rượu được bà con lựa chọn các loại lá cây thảo dược quý có ở trên rừng

Hiện nay, huyện Lâm Bình có hằng trăm hộ ở các các xã Phúc Yên, Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm nấu rượu ngô men lá thường xuyên, kết hợp với chăn nuôi lợn thịt, các hộ đó đều có kinh tế khá giả, mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng trăm lít rượu. Khi chưa có đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng rượu ấy chủ yếu được các hộ tiêu thụ bằng cách tự gửi xe ô tô tới một số tỉnh, thành phía Nam, Hà Nội, Thành phố Tuyên Quang theo địa chỉ yêu cầu của khách. Để nâng cao chất lượng sản phẩm rượu ngô men lá, huyện Lâm Bình đã lập hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận vào cuối tháng 9 năm 2020. Đồng thời, hỗ trợ thiết kế lô gô mang thương hiệu rượu ngô men lá Lâm Bình chất lượng cao và cung cấp 45 chum đựng rượu 200 lít, 1 máy xiết nắp chai, 1 máy lọc khử Andehyt cho các thành viên trong tổ nấu rượu ngô men lá ở xã Khuôn Hà. Qua đó, giúp các hộ yên tâm phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Sản phẩm rượu ngô men lá Lâm Bình đến nay đã được Cục Sở hữ trí tuệ cấp giấy chứng nhận, có lô gô nhãn mác

Xác định rượu ngô men lá chất lượng cao là một sản phẩm có lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Lâm Bình đã có định hướng xây dựng thương hiệu rượu ngô trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện, đồng thời quy hoạch phát triển nghề nấu rượu ngô men lá thành làng nghề gắn với việc bảo vệ, trồng những loại cây thảo mộc quý để làm men ngay trong vườn nhà.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục