Lung linh Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn ở Lâm Bình

Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ hội đầu xuân năm 2017, tối ngày 11 tháng 2 tức ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Dậu tại sân vận động thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang, UBND huyện Lâm Bình đã tổ chức Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn cư trú trên địa bàn xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội nhảy lửa là phong tục tập quán truyền thống rất độc đáo và mang đậm nét huyền bí, hoang sơ của người Pà Thẻn. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn du khách thập phương đến xem và cổ vũ.

  Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn được bắt đầu bằng việc thầy mo người Pà Thẻn làm lễ cầu khấn thần linh. Lễ vật cúng tế gồm một bát hương, một chiếc đàn gõ, một con lợn, một con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa ngồi đối diện với thầy mo để làm phép "nhập đồng" và chỉ dành cho nam giới. Thời gian làm lễ kéo dài 1-2 giờ trước khi nhảy vào đống lửa. Theo những người đã từng tham dự Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, trong khi  thầy mo cúng thần linh cũng là lúc nhập đồng cho người tham gia nhảy lửa, những người tham gia nhảy lửa như được tiếp sức mạnh, sự khéo léo và lòng dũng cảm. Sau khi nhập đồng các chàng trai Pà Thẻn đã cùng nhau nhảy vào đống lửa rực hồng, họ nhảy múa trên đống than hồng rực mà không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát giữa sự hò reo, cổ vũ của hàng nghìn khán giả và du khách.

Thầy cúng người Pà Thẻn làm lễ cúng (người ngồi trên nghế)

  Tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh và quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của bản làng người Pà Thẻn,  không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác. Theo số liệu thống kê của xã, dân số của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang có khoảng trên 400 người, sinh sống tập trung chủ yếu ở thôn Thượng Minh. Vì số lượng ít, lại sống ở những vùng hẻo lánh nên Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn đã từng có thời gian bị mai một, vài năm trở lại đây đời sống của người dân phát triển lên, người dân nơi đây đã khôi phục lại lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Lễ hội nhảy lửa được tổ chức vào dịp kết thúc một năm sản xuất, khoảng từ tháng 10 âm lịch của năm trước cho đến trung tuần tháng Giêng của năm sau. Trước đây lễ hội này chỉ được tổ chức ở quy mô cấp xã, cấp thôn bản. Vài năm trở về đây, được sự quan tâm của của cấp ủy, chính quyền địa phương lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn ở Hồng Quang đã nâng lên quy mô cấp huyện. Trong lễ hội nhảy lửa còn diễn ra các hoạt động văn hóa khác như ca múa nhạc, trình diễn trang phục các dân tộc và đặc biệt là phần thi kéo chày, đây là một trong những phần thi rất độc đáo và huyền bí của người Pà thẻn.  Khi thầy mo người Pà Then, khấn yểm sức mạnh vào cây chày làm cho cây chày nâng bổng lên còn các thanh niên cùng nhau bán vào cây chày để kéo cây chày xuống nhưng có tới 8 đến 10 thanh niên cùng nhau kéo nhưng không kéo được cây chày xuống.

Thi đẩy chày tại Lễ hội nhảy lửa

 


Trình diễn trang phục tại Lễ hội nhảy lửa

  Qua các hoạt động diễn ra tại Lễ hội nhảy lửa đã cho thấy công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong hoạt động lễ hội truyền thống nói chung và lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn nói riêng đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm phục dựng. Lễ hội nhảy lửa được tổ chức ở quy mô cấp huyện không chỉ giúp đồng bào dân tộc Pà Thẻn giữ gìn được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà còn thúc đẩy việc phát triển mạng lưới du lịch ở địa phương.

Một số hình ảnh trong Lễ hội nhảy lửa

  Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm khôi phục và lưu giữ nét đẹp nguyên sơ, huyền bí. Đây là một trong những sự kiện văn hóa sẽ thu hút đông đảo khách du lịch tham gia khám phá nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn nói riêng và các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Lâm Bình nói chung./.

T/h: Hà Khánh - Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục