Lâm Binh sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 12 của Hội đồng nhân dân tỉnh

Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, có thế mạnh trong việc phát triển chăn nuôi. Để giúp người dân phát triển kinh tế từ chăn nuôi, những năm qua, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển chăn nuôi thông qua các chương trình, dự án từ các tổ chức đoàn thể, huyện Lâm Bình còn tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Sau hơn ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết, số trâu của các hộ gia đình mua về được chăm sóc tốt, đến nay đã cho sinh sản, giúp các hộ chăn nuôi có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Để giúp các hộ gia đình trên địa bàn huyện, sớm được tiếp cận nguồn vốn thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh Tuyên Quang, về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa, đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện Lâm Bình đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo, mạnh dạn vay vốn mua trâu về nuôi. Do vậy, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay trên địa bàn huyện Lâm Bình, đã có 507 hộ gia đình được vay 25 tỷ 096 triệu đồng, mua 843 con trâu sinh sản, 92 con trâu đực giống và có 5 hộ gia đình được hỗ trợ nuôi cá lồng. Số trâu đã sinh sản tính đến thời điểm hiện nay là 318 con, số tiền các hộ được hỗ trợ lãi suất vay là trên 2,5 tỷ đồng . Có được kết quả như vậy là do các địa phương trong huyện đã làm tốt công tác giám sát, quản lý đàn vật nuôi. Các hộ gia đình được vay vốn mua trâu về nuôi đều đã chủ động trồng cỏ, tích trữ rơm dạ và các nguồn thức ăn khác cho đàn trâu của gia đình, nên đàn trâu sinh trưởng, phát triển tốt, giúp nhiều hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo. 

Nhờ chăn nuôi trâu sinh sản theo Nghị quyết số 12 của Hội đồng nhân dân tỉnh, mà nhiều hộ gia đình nghèo trên địa bàn huyện, đã vươn lên thoát nghèo bền vững

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, góp phần tăng tổng đàn gia súc trên địa bàn. Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, đã tham mưu với UBND huyện, thành lập quy chế quản lý đàn trâu. Các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở tham gia giám sát, hướng dẫn hội viên, đoàn viên của mình sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và chăn nuôi trâu có hiệu quả. Ngoài ra, các địa phương trong huyện còn phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh và huyện tổ chức tập huấn trồng, chăm sóc diện tích cỏ VA06 và chăm sóc đàn trâu phát triển tốt. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đầu tư xây dựng chuồng trại, làm tốt công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên đàn trâu luôn được duy trì, phát triển tốt. Có thể thấy, Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đến nay đã được huyện Lâm Bình, triển khai đồng bộ ở tất cả các xã, thôn bản, tạo điều kiện thuận lợi và là cơ hội để các hộ gia đình nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. 

Các hộ đã chủ động tốt về nguồn thức ăn cho đàn gia súc của gia đình

Từ việc được hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết số 12 của HĐND Tỉnh, đã giúp các hộ gia đình thuộc diện nghèo có vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi trâu đạt hiêu quả kinh tế cao. Qua đó đã góp phần phát triển tổng đàn trâu của huyện lên trên 9.122 con, đạt 103% kế hoạch năm 2017. Nhằm hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, huyện Lâm Bình, tiếp tục rà soát, tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi được tiếp cận với các dự án, cơ chế, chính sách về hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh và các chương trình dự án khác, tạo tiên đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục