Hiệu quả từ một đề án

Trên 98% học sinh là người dân tộc thiểu số, thời gian qua, ngành giáo dục huyện Lâm Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020”.

Từ khi thực hiện Đề án khả năng giao tiếp tiếng Việt, sự tự tin và khả năng tiếp thu kiến thức của các em được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương này. 5 năm qua, Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số đã giúp các em mạnh dạn, tự tin sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, nhiều trẻ có thể kể chuyện, đọc thơ diễn cảm, thuộc lời bài hát, diễn đạt được mong muốn của mình.

Tiết học của Cô giáo Hoàng Thị Hoan, Trường Mầm non Xuân Lập

          Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, được huyện Lâm Bình triển khai tại 20 trường mầm non, tiểu học, TH&THCS với hơn 25.000 lượt trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học. Với phương châm “Không để ngôn ngữ trở thành rào cản đối với học sinh”, ngành giáo dục huyện đã xây dựng môi trường giáo dục phù hợp với phù hợp từng cấp học, từng trường học và thực tiễn ở địa phương. Tổ chức các trò chơi, hoạt động ngoại khóa; các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo cơ hội cho các em giao tiếp với tiếng Việt. 100% cán bộ, giáo viên cấp mầm non, tiểu học được bồi dưỡng kỹ năng công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động để tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Không chỉ lồng ghép hiệu quả các giải pháp để thực hiện Đề án, các trường học đã tích cực huy động sự tham gia của các bậc phụ huynh, để việc đảm bảo tăng cường tiếng Việt cho trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi, đa dạng, linh hoạt cả trong nhà trường, gia đình và xã hội. Từ năm 2016 đến nay, huyện Lâm Bình đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới các phòng học; mua sắm trang thiết bị dạy và học cho các trường trên địa bàn với số tiền trên 145 tỷ đồng. Góp phần thay đổi diện mạo các trường, tạo môi trường học tập ngày càng đầy đủ, hiệu quả hơn.

Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH&THCS Xuân Lập chăm chỉ học tập

 Sau 5 năm thực hiện Đề án, có 31% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ; 100% trẻ em độ tuổi mẫu giáo và học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số ở huyện Lâm Bình được tăng cường tiếng Việt. Những kết quả này sẽ tạo tiền đề quan trọng để tất cả các em học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi và dễ dàng hơn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục./.

Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục