Uỷ ban nhân dân huyện Lâm Bình tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh

Chiều ngày 17/8, Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh về triển khai thực hiện nội dung thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự Hội nghị có các đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Thế Đồi, Phó Bí thư Huyện uỷ; lãnh đạo một số cơ quan chuyên môn của huyện; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện. Đồng chí Lê Thế Đạt, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện chủ trì Hội nghị.

Các đồng chí chủ trì Hội nghị

Từ năm 2016 (năm được Chính phủ chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”) đến nay, phong trào khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Lâm Bình đã đạt được những kết quả nhất định nhờ phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là chính sách về Hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhiều địa phương đã lựa chọn được những sản phẩm đặc trưng để tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình lựa chọn khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp thành công, điển hình trong đó có loại hình du lịch cộng đồng Homestay… Dự án “Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” được UBND huyện triển khai từ đầu năm 2023, với tổng dự toán từ ngân sách Trung ương được giao hơn 3 tỷ 190 triệu đồng. Đến nay, mới chỉ có các xã như: Phúc Sơn, Minh Quang, Khuôn Hà hoàn thành thủ tục đề xuất mô hình khởi nghiệp để được hỗ trợ. Các xã còn lại chưa lựa chọn, đề xuất được các mô hình.

Đồng chí Đặng Văn Sinh, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu định hướng để các đại biểu tập trung thảo luận

Tại Hội nghị đối thoại, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thẳng thắn trao đổi, nêu những khó khăn, vướng mắc, đề xuất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn sớm. Đông thời, đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, với mục tiêu phấn đấu, đến cuối năm 2023 các xã, thị trấn đều lựa chọn, đề xuất được mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

Phát biểu bế mạc Hội nghị đồng chí Lê Thế Đạt, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Để đảm bảo lựa chọn được các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, cơ chế, chính sách về Chương trình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung, quyết liệt, khẩn trương tổ chức khảo sát, lập danh mục mô hình và xây dựng kế hoạch hỗ trợ các mô hình thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp theo hướng dẫn của liên ngành Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất, đảm bảo mỗi xã, thị trấn có ít nhất 01 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất, kinh doanh có nhu cầu tham gia Chương trình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp chủ động hoàn thiện hồ sơ tham gia thực hiện Chương trình gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để tổng hợp, xây dựng kế hoạch gửi cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định theo quy định.

Thuý Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục