Hồng Quang phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với cơ sở chế biến gỗ

Hồng Quang có tổng diện tích đất rừng trên 4.540 ha, trong đó rừng tự nhiên trên 3.900 ha, rừng trồng trên 620 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 70%. Đây là tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế rừng mang lại cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt hiện nay, việc bao tiêu sản phẩm cho người trồng rừng gắn với các cơ sở chế biến đã tạo điều kiện cho kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn xã Hồng Quang phát triển bền vững.

Theo ông Ma Văn Lời, chủ của một cơ sở chế biến gỗ bóc thôn Bản Luông, xã Hồng Quang cho biết;  trung bìnhmỗi ngày xưởng của gia đình ông sơ chế trên 10m3 gỗ. Nguồn nguyên liệu chủ yếu được cung cấp từ các hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn xã và một số địa phương trong tỉnh. Hiện cơ sở chế biến gỗ bóc của gia đình ông Lời, đang tạo việc làm cho gần 40 lao động, với mức lương từ 3 triệu đến 6 triệu đồng/ tháng. 

Nhiều người dân địa phương đã có việc làm ổn định

Trên địa bàn xã Hồng Quang hiện nay có khoảng 05 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản đang hoạt động. Với ngành nghề tập trung chủ yếu là chế biến ván bóc, đồ gia dụng. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, xác định quy hoạch vùng nguyên liệu. Đảm bảo đầu ra cho sản phẩm rừng trồng. Các cơ sở chế biến, khuyến khích người dân trồng rừng, cam kết bao tiêu sản phẩm, thu mua nguyên liệu với giá thành hợp lý để người dân có nguồn sinh kế bền vững từ rừng. Từ đầu năm 2018 đến nay, sản lượng rừng đã khai thác trên địa bàn xã đạt trên 1.200 m3. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục hộ gia đình. Theo đó, xã cũng đã trồng mới 133,76 ha rừng, đạt 101,5% KH. Trong đó: Trồng rừng sản xuất tập trung: 126,46 ha (trong đó nhân dân tự bỏ vốn 99,26, Nhà nước hỗ trợ giống 27,2 ha); trồng cây phân tán: 7,3 ha.

Trong thời gian tới, Cấp uỷ, Chính quyền xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người trồng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất rừng trồng, xóa bỏ tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp để canh tác nương rẫy. Phấn đấu đến cuối năm 2018, Hồng Quang nâng tổng số diện tích khai thác gỗ rừng trồng đạt 30 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 2.550 m3, khai thác tre, nứa trên 300 tấn. /.

Kim Thoa - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục