Xã Thượng Lâm giữ gìn bản sắc văn hóa để phát triển du lịch

Văn hóa là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch riêng cho từng địa phương; ngược lại, hoạt động du lịch là cầu nối để giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị văn hóa với du khách trong và ngoài nước. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch hiện đang là bài toán song hành được xã Thượng Lâm vận dụng linh hoạt và hiệu quả.

Bà Quan Thị Lanh ở thôn Nà Bản, xã Thượng Lâm là một trong những người phụ nữ vẫn thường xuyên dệt thổ cẩm để làm mặt chăn cho gia đình hoặc bán khi có khách đặt mua. Bà Lanh cho biết: Nghề dệt thổ cẩm ở xã Thượng Lâm khoảng hơn chục năm về trước có nguy cơ bị mai một do mặt trái của cơ chế thị trường, đặc biệt là việc tìm bông để kéo sợi cũng khó khăn. Còn khoảng hai năm trở lại đây khi du lịch địa phương có hướng phát triển, việc khôi phục lại các nghề thủ công truyền thống của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm, khuyến khích người dân giữ gìn và phát huy, để làm đồ lưu niệm cho khách đến thăm quan du lịch. Hiện nay, việc duy trì nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà con giúp hộ gia đình có thêm điều kiện để phát triển kinh tế. 

Bà Quan Thị Lanh thôn Nà Bản, xã Thượng Lâm ( người mặc áo xanh) giới thiệu thổ cẩm mình dệt với khách hàng

Là địa bàn sinh sống của 8 dân tộc với nhiều nét văn hóa đa dạng, độc đáo, cùng hệ thống thiên nhiên ưu ái ban tặng được ví như “ Hạ Long Cạn”, Thượng Lâm có điều kiện thuận lợi để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc. Để bảo tồn và phát triển văn hóa gắn với du lịch, xã Thượng Lâm đã huy động nguồn lực tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch; bảo tồn di sản văn hóa cấp Quốc gia Chùa Phúc Lâm và di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Lồng tông của đồng bào dân tộc Tày, xây dựng làng văn hóa ở các thôn bản gắn với xây dựng Nông thôn mới để phục vụ du lịch. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn các ngành, nghề truyền thống, các làn điệu hát then, cọi của dân tộc. Hằng năm, quan tổ tổ chức hội thi văn nghệ quần chúng, dệt thổ cẩm, đan lát thủ công  nhằm lựa chọn ra những sản phẩm đặc sắc nhất để phục vụ cho việc phát triển du lịch. 

Với nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần không nhỏ để du lịch cùng phát triển. Qua đó, đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục