Thầy Long - Dạy học bằng cả tấm lòng yêu thương!

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm qua của Trường tiểu học Thổ Bình đang có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng, với sự hưởng ứng tích cực của tập thể giáo viên và học sinh. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, mỗi thầy, cô giáo và học sinh của trường đều có những việc làm thiết thực mang lại lợi ích chung cho nhà trường và cho xã hội, làm sáng thêm tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ trong giai đoạn hiện nay. Thầy giáo Nguyễn Văn Long, trường tiểu học Thổ Bình là một trong những giáo viên điển hình như vậy.

Em Nông Thị Bích Mạnh lớp 5A là một trong số những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thầy giáo Nguyễn Văn Long trường tiểu học Thổ Bình nhận đỡ đầu, đón về nhà để phụ đạo học thêm sau những giờ lên lớp. Đây cũng chính là việc làm cụ thể, thiết thực nhất mà thầy Long đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chi bộ trong suốt những năm học vừa qua. Được biết, hoàn cảnh của em Mạnh rất đáng thương, bố mất sớm, mẹ bỏ em đi thêm bước nữa, việc học không được quan tâm như bao bạn bè cùng trang lứa, hiện nay em đang sống với bác của mình, cũng là gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã Thô Bình. Với Mong muốn được góp một phần  nhỏ bé của mình để bù đắp tình cảm cho em và giúp em vươn lên học tập tốt, thầy Long đã vận động người thân của em Bích, buổi tối đưa em đến nhà để thầy phụ đạo học thêm. Còn những tối gia đình có việc bận, thầy Long sẽ đến đón em về nhà học. Sau gần 2 tháng tích cực dạy học như vậy và có sự trao đổi thường xuyên với phụ huynh, đến nay em Mạnh đã có sự chuyển biến tích cực trong học tập, mạnh dạn hơn trong các phong trào thi đua của lớp. 

Lớp học miễn phí tại nhà của thầy Long

Đến nay, thầy Long không còn nhớ được là mình đã đón và nhận bao nhiêu em học sinh về nhà bồi dưỡng, phụ đạo thêm vào những buổi tối trong tuần và các ngày thứ 7, chủ nhật nữa. Hiện, mỗi một buổi tối trong căn nhà của thầy Long luôn có khoảng 12 em học sinh lớp 5 là con em đồng bào các dân tộc thiểu số của xã đến nhà xin học thêm. Trong đó, một phần là học sinh khá, giỏi đến để thầy bồi dưỡng thêm kiến thức, hướng dẫn giải các bài tập nâng cao hơn để tham gia các cuộc thi do nhà trường và ngành giáo dục tổ chức, còn một phần là các em học sinh có học lực trung bình hoặc yếu, kém do thầy tuyên truyền, vận động phụ huynh tạo điều kiện đưa các em đến nhà để phụ đạo, dạy thêm. Các em đến đây học tập đều có một tinh thần rất thoải mãi, bởi thầy luôn gần gũi, ân cần giảng bài tỉ mỉ cho các em nên rất dễ tiếp thu và ham học cùng thầy. 

Lớp học tại nhà của thầy Long còn được các bậc phụ huynh và các em học sinh nơi miền sơn cước này gọi là lớp học “không đồng”. Sở dĩ được gọi như vậy là do thầy Long đã tự nguyện dạy học hoàn toàn miễn phí cho các em, mà không thu một khoản tiền nào của các bậc phụ huynh. Đối với thầy Long, nghề giáo viên giống như người truyền lửa. Muốn thắp sáng trong trái tim học trò ngọn lửa đam mê, sáng tạo và yêu thương thì trái tim người thầy phải có lửa. Do vậy, mà thầy luôn dạy học với cả tấm lòng yêu thương, để khơi dậy lòng say mê học tập của học sinh. Giúp các em không bị thiếu hút kiến thức đã học trước khi bước vào môi trường học tập mới. Đồng thời, thầy cũng muốn khẳng định chất lượng dạy học của bản thân, thông qua việc đăng ký cho học sinh có năng khiếu và thành tích học tập tốt để tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi. 

Trong giờ học, thầy Long luôn tạo không khí vui vẻ theo hình thức vừa học, vừa chơi đã tạo hứng thú cho các em học sinh 

Đến với nghề sư phạm bằng ước mơ, lý tưởng của tuổi trẻ, ngay từ những ngày đầu đứng lớp, thầy giáo Nguyễn Văn Long đã dành hết tâm huyết của mình để dạy dỗ các em học sinh. Dù ở trường hay ở nhà, thầy cũng luôn cô gắng học hỏi, tiếp cận những phương pháp dạy học mới hiệu quả, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ dạy học trong thời đại mới. Là giáo viên có kinh nghiệm trong công tác dạy học theo mô hình trường học mới VNEN, cũng như bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém, năm học 2020 - 2021, thầy Long tiếp tục được Ban giám hiệu Trường tiểu học Thổ Bình phân công chủ nhiệm dạy lớp 5A. Để phát huy hiệu quả mô hình trường học mới, thầy Long đã sắp xếp, bố trí chỗ ngồi đan xen giữa các em học sinh có học lực khá, giỏi với học sinh trung bình, yếu. Đồng thời, cử 1 em học sinh có thành tích học tập tốt nhất làm trưởng nhóm để dẫn dắt các bạn học. Ngoài ra, trong các tiết học, thấy Long còn luôn có sự sáng tạo, đổi mới nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đặc biệt là để các em tự tìm hiểu, khám phá, còn thầy chỉ có vai trò định hướng nội dung bài học cho học sinh. Từ đó, đã giúp các em bộc lộ năng khiếu, từng bước loại bỏ tính nhút nhát, ngại giao tiếp của bản thân. 

Thầy giáo Ma Văn Mậu, Phó Hiệu trưởng Trường TH Thổ Bình, huyện Lâm Bình cho biết: Xuất phát từ lòng yêu thương học sinh và bằng sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của bản thân, thầy Long đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được ngành công nhận và được áp dụng thực tế, đạt hiệu quả cao. Minh chứng là thấy đã bồi dưỡng được nhiều thế hệ học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi và thành công với công tác phụ đạo học sinh yếu, kém vươn lên học tập tốt. Thầy chính là tấm gương sáng trong việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh của trường tiểu học Thổ Bình để đồng nghiệp và các em học sinh noi theo.

Cứ làm việc hết mình, yêu thương hết mình thì kết quả sẽ thành công là tâm niệm của thầy Long trong suốt hơn 20 cầm phấn trên bục giảng. Trong quãng thời gian dạy học, thầy Long luôn đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện mô hình trường học mới tại Việt Nam. Và được nhận rất nhiều giấy khen do ngành và các cấp trao tặng. Đây cũng chính là nguồn động viên, khích lệ tinh thần thầy giáo Nguyễn Văn Long sẽ tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục ở xã Thổ Bình nói riêng và huyện vùng cao Lâm Bình nói chung. Qua đó, đã góp phần rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện so với các huyện bạn trong tỉnh.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục