Hiệu quả nguồn vốn ủy thác địa phương

TQĐT - Tỉnh ta luôn quan tâm chỉ đạo sát sao việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội và thực hiện chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ông Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh đạt 27,629 tỷ đồng, trong đó, cho vay hộ nghèo 3,2 tỷ đồng, hộ cận nghèo 4 tỷ đồng, vốn 120 giải quyết việc làm 16,1 tỷ đồng… Nguồn vốn chỉ chiếm 0,63% tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, Ngân hàng CSXH tỉnh tham mưu với UBND tỉnh chuyển một phần từ ngân sách của địa phương với số tiền 8 tỷ đồng ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bà Nguyễn Thị Bích, thôn Nà Khà, xã Lăng Can (Lâm Bình) vay nguồn vốn tín dụng từ

Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư nuôi trâu vỗ béo vươn lên thoát nghèo. 

Lâm Bình là một trong những địa phương phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác địa phương. Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình cho biết, để phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách để hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng kịp thời. UBND huyện chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc quy định về việc bình xét công khai khi vay vốn và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích.

Bà Nguyễn Thị Bích, thôn Nà Khà, xã Lăng Can (Lâm Bình) được vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nuôi nhốt trâu vỗ béo. Gia đình bà nuôi từ 6 đến 10 con trâu, khoảng 1 đến 2 tháng xuất bán cho thu lãi khoảng 2 triệu đồng/con và trở thành hộ có thu nhập khá trong thôn. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Thuyết, thôn Bản Muồng, xã Thượng Giáp (Na Hang) từng là hộ nghèo của thôn. Được cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giới thiệu, hướng dẫn vay vốn đầu tư sản xuất, ông Thuyết đã quyết định phát triển đàn trâu. Cũng nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi mà ông Thuyết nuôi được 3 người con ăn học hết cao đẳng, đại học. Đến nay, ông Thuyết đã phát triển tổng đàn trâu lên đến 18 con, là một trong những hộ giàu của thôn Bản Muồng.

Những kết quả cho vay vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho thấy, nguồn vốn đã được quản lý, cho vay và phát huy được hiệu quả. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn từ ngân sách tạo nguồn vốn ủy thác cho các đối tượng chính sách vay vốn, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. 

Theo Báo - TQĐT

Tin cùng chuyên mục