Nông dân Lâm Bình thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở huyện Lâm Bình ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp. Bên cạnh đó, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã và đang giúp các hộ dân trong huyện từng bước đổi mới tư duy trong sản xuất, chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Là huyện có tiềm năng, thế mạnh về phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là được hỗ trợ vốn vay, khoa học kỹ thuật, nhiều hộ gia đình ở các xã trên địa bàn huyên đã thay đổi nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi phương thức chăn nuôi trâu, bò nhỏ lẻ, thả dông sang chăn nuôi nhốt theo hướng háng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 7.696 con trâu, 2.652 con bò, hằng năm việc thực hiện chỉ tiêu chăn nuôi của huyện luôn đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Từ việc phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mà nhiều hộ gia đình đã tự giải quyết được việc làm, tăng thêm thu nhập và giảm nghèo bền vững ở địa phương. 

Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của anh Nguyễn Văn Đôn thôn Làng Chùa, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình

Năm 2015, sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình trồng cam của người thân ở huyện Hàm Yên, gia đình ông Quan Văn Ngôn ở thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm đã mạnh dạn chuyển đổi trên 5.000 mét vuông diện tích đất vườn đồi trồng cây cọ sang trồng cây cam với hơn 250 gốc. Sau nhiều năm tích cực chăm sóc, ông Ngôn nhận thấy đây cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nên chất lượng quả tốt. Năm 2019, gia đình bán được 2 tấn quả, thu nhập gần 30 triệu đồng, còn vụ cam năm nay, gia đình thu hoạch ước đạt khoảng  6 tấn quả, thu nhập dự kiến gần 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác.

Gia đình ông Quan Văn Ngôn ở thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm thu hoạch cam của gia đình

Từ việc quan tâm hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển của huyện và có sự thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của người dân, đến nay trên địa bàn huyện Lâm Bình đã có 32 doanh nghiệp tư nhân, 60 hợp tác xã tập trung ở các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng. Các doanh nghiệp, tổ hợp tác xã đã làm tốt việc liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó đã có những tác động mạnh mẽ đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, góp phần tăng thêm giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở, sẽ tập trung lãnh đạo vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Có thể thấy, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã giúp người nông dân ở Lâm Bình từng bước đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phát huy những giá trị của bản địa, nâng cao giá trị của những sản phẩm mới để từ đó góp phần cải thiện thu nhập cũng như nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của huyện vùng cao Lâm Bình.
 

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục