Khai quật khảo cổ tại mái đá ngườm thuộc thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên

Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang và Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp thực hiện khai quật khảo cổ tại mái đá ngườm Nà Khậu, thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình.

Với diện tích khai quật 12m2 tại khu vực mái đá ngườm thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng trăm công cụ lao động bằng đá và đồ gốm. Trong đó, loại hình hiện vật bao gồm các nhóm công cụ ghè đẽo, nhóm công mài bao gồm rìu/bôn, cuốc có vai và bàn mài. Dấu vết kỹ thuật tra cán trên vai nhóm công cụ rìu/ bôn và cuốc còn giữ lại rất rõ. Bên cạnh đó, một số mảnh đồ gốm trang trí văn thừng, văn đắp nổi cũng được phát hiện… Dựa vào đặc trưng loại hình di vật, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng, mái đá ngườm thuộc thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình là một nơi “tạm trú” của những cư dân săn bắn và hái lượm của văn hóa Hòa Bình, có niên đại dự đoán khoảng 5.000 năm cách ngày nay.

Các nhà khảo cổ tiến hành khai quật

Theo các nhà nghiên cứu, tại địa điểm khai quật không tìm thấy di tồn xương răng động vật hoặc nhóm vỏ nguyên thể như ốc núi hay ốc suối... chỉ tìm thấy công cụ đá nhưng không thấy mảnh tước. Đây là một điều rất khác biết với các hang động văn hóa Hòa Bình khi mảnh tước luôn chiếm một tỷ lệ lớn nhất trong các sưu tập hiện vật. Qua đó cho thấy, hoạt động chế tác công cụ đá không diễn ra tại chỗ và thời gian sử dụng tại đây không lâu dài. Đây cũng là một loại hình di tích đặc biệt rất hiếm gặp ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu tại mái đá ngườm Nà Khậu sẽ có đóng góp rất quan trọng vào quá trình nghiên cứu văn hóa Hòa Bình ở Đông Nam Á.

Hiện vật được phát hiện

Việc phát hiện một loại hình di tích khá mới của cư dân tiền sử tại khu vực mái đá Ngườm thuộc thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình có ý nghĩa quan trọng với ngành khảo cổ Việt Nam và đây cũng là cơ hội để Lâm Bình đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tới du khách những giá trị về văn hóa, lịch sử, góp phần phát triển du lịch địa phương./.

Kim Thoa - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục