Lâm Bình triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ Xuân và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Trước tình hình sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây trồng vụ Xuân và tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang có những diễn biến phức tạp. Vừa qua, UBND huyện Lâm Bình đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình sâu bệnh hại cây trồng vụ Xuân và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối với các điểm cầu ở các xã trong toàn huyện. Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.

Thời gian qua, thời tiết có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn, âm u kéo dài, trời lạnh là điều kiện thuận lợi để phát sinh sâu bệnh gây hại làm ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, chuột gây hại rải rác trên cây lúa ở tất cả các xã. Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng, tuy nhiện đã phát sinh bệnh đạo ôn lá gây hại trên các giống lúa Tạp giao 1, BC 15, lúa nếp, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, TBR 225… tỷ lệ hại trung bình 3-5% số lá, cao điểm 10-15% số lá. Diện tích nhiễm trên 34 ha, ở các xã Bình An, Hồng Quang, Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Xuân Lập, Phúc Yên, riêng xã Thổ Bình đến nay chưa phát hiện bệnh đạo ôn lá. Còn đối với các loại sâu bệnh như:  bệnh bạc lá, rầy nâu - rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, sâu đục thân, chuột, ốc bươu vàng gây hại giải rác ở tất cả các xã. Trên cây ngô đã xuất hiện sâu cuốn lá, châu chấu, bệnh kho vằn, sâu keo, bệnh lùn sọc đen gây hại, tỷ lệ hại trung bình 3-5% số cây, điểm cao 10-15% số cây. Trên cây lạc cũng xuất hiện sâu cuốn lá, bệnh lở cổ rễ, bệnh hóe xanh, bệnh thối nhũ gây hại.

Đ/c Nguyễn Xuân Hải, Uỷ viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị

Đối với công tác chăn nuôi thú y, trên đàn trâu, bò phát triển ổn định, tuy nhiên trên đàn lợn tình hình dịch tả lợn Phâu phi đã bùng phát trở lại, tính từ ngày 01/01/2020 đến ngày 17/4/2020, dịch tả lợn Châu phi đã xảy ra trên địa bàn 07 thôn của xã xã Lăng Can gồm các thôn: Làng Chùa, Nặm Đíp, Đon Bả, Nà Khà, Bản Kè, Phai Tre A, Phai Tre B, Bản Khiển… với tống số lợn tiêu hủy trên 160 con, tổng trọng lượng trên 4.700kg. Trên đàn đàn gia cầm, cũng xuất hiện các bệnh như: phân trắng, phân xanh, cầu trùng…

Trước tình hình sâu bệnh và dịch bệnh đang phát sinh và có những diễn biến phức tạp trên cây trồng và vật nuôi, tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận bàn các giải pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh đạt hiệu quả nhất để bảo vệ an toàn cho các loại cây trồng vụ Xuân và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm hạn chế thiệt hại cho nhân dân.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện, yêu cầu các ngành chuyên môn của huyện, đặc biệt là cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cán bộ khuyến nông xã phải làm tốt công tác kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã chỉ đạo, đốn đốc nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh kịp thời. Đối với cây lúa và cây ngô phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân phun thuốc theo nguyên tác 4 đúng gồm: đúng liều lượng, đúng thuốc, đúng thời gian, đúng cách. Đối với công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh ở tất cả các xã trên địa bàn huyện. Đối với xã Lăng Can cần tăng cường phun thuốc khử trùng, vận động nhân dân vệ sinh chuồng trại, khoanh vùng dập dịch, tăng cường giám sát giết mổ, kiểm soát vận chuyển lợn ra, vào địa bàn. Xử lý nghiêm đối với những hộ gia đình không chấp hành công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng như công tác phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng vụ Xuân.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục