Lâm Bình làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ

Lâm Bình là huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tuyên Quang, với 10 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp. Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Cùng với đó, nhiều phong trào, hoạt động hướng về trẻ em cũng đã được tổ chức đa dạng, với nhiều hình thức, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em đều có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc và phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Trên địa bàn huyện Lâm Bình hiện có trên 10 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi. Để quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ em được tốt, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đã xây dựng mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đã tạo môi trường tốt nhất trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho trẻ em. Tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em về phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông. Trong trường học, các em được tham gia đầy đủ các phong trào thi đua do nhà trường và liên đội phát động như: “ Nói lời hay- làm việc tốt” gắn với các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức theo cuộc vận động “ Thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”. Tham gia các hội thi nhằm giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và nâng cao ý thức kỷ luật; biết vâng lời người lớn, lễ phép với ông bà, cha mẹ. Tạo điều kiện, hướng dẫn trẻ em tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Có thể thấy, công tác trẻ em trên địa bàn huyện đã có những thay đổi cơ bản trên tất cả các lĩnh vực: Sức khỏe, dinh dưỡng, học tập, đời sống văn hóa, tinh thần. Phong trào bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng được xã hội hóa sâu rộng thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Các trường học đã chú trọng giáo dục kỹ năng sống, hình thành nhân cách cho trẻ

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan, đơn vị các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đã trao quà động viên các em vào các dịp lễ, Tết và bước vào năm học mới. Cụ thể, Trung tâm công tác xã hội Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh trao 21,5 triệu đồng cho 55 đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình vùng Lâm Bình trao 3.535 chiếc quần áo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Hàn Quốc tài trợ, với trị giá gần 845 triệu đồng. Ngân hàng Agribank tặng máy tính cho trường THCS Lăng Can, với trị giá 150 triệu đồng. Hội khuyến học huyện hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với trị giá 30 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, huyện đã thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em bị khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, trẻ em bị nhiễm HIV với tổng số tiền gần 260 triệu đồng… Quỹ Bảo trợ trẻ em của huyện đã trợ cấp khó khăn cho 1 trẻ em, với số tiền 1 triệu đồng. Hỗ trợ 01 trẻ em phẫu thuật tim bẩm sinh với số tiền 2 triệu đồng.

Huyện Lâm Bình đã làm tốt việc huy động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cùng chung tay chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa của huyện

Để thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành đối với công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước… Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em đều được bảo vệ, giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; Chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại; Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội để phát triển. Tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục