Lâm Bình chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan; mưa lũ với cường độ lớn, thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản và đời sống, sản xuất của nhân dân. Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai, ngay từ đầu năm 2019, huyện Lâm Bình đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các phương án phòng, chống lũ lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Hiện nay, đang là mùa mưa bão. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thì tình hình thời tiết năm nay diễn biến bất thường, nguy cơ xảy ra thiên tai rất cao. Đặc biệt, đối với huyện Lâm Bình, trong mùa mưa bão thường xảy ra lũ quét, tố lốc gây thiệt hại về công trình hạ tầng, nhà cửa, hoa màu, gia súc của nhân dân. Thời gian qua, mặc dù, công tác triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được thực hiện đồng bộ, tuy nhiên vẫn bị thiệt hại về nhà cửa, hoa màu. Cụ thể từ đầu năm đến nay, toàn huyện có trên 430  nhà dân bị tốc mái và thiệt hại về tài sản, hoa màu, nhiều công trình hạ tầng như đường liên thôn, liên xã, kênh mương bị hư hỏng do thiên tai... Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND huyện Lâm Bình đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương. Tổ chức diễn tập ứng cứu tai nạn, sự cố và tìm kiếm cứu nạn tại các xã trên địa bàn huyện. Đặc biệt, hằng năm huyện triển khai thực hiện công tác di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất đá, có cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ di dời ra khỏi vùng thiên tai, nguy hiểm để ổn định cuộc sống. 

Học sinh trường THPT Lâm Bình dọn dẹp bùn đất do mưa lũ gây ra

Cùng với việc di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá, các xã trên địa bàn huyện tổ chức cắm biển cảnh báo nguy cơ bị sạt lở đất, đá tại các khu vực có nguy cơ tiềm ẩn, thường xuyên kiểm tra các tuyến đường liên thôn, bản; công trình thuỷ lợi, có nguy cơ ảnh hưởng do mưa, bão sảy ra. Đối với các phương tiện đường thuỷ đang hoạt động tại khu vực lòng hồ, cần trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, chấp hành nghiêm luật an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; khi có mưa bão, gió mạnh, hay mực nước dâng cao thì không được vận chuyển hành khách, hay hoạt động đánh bắt cá, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, thông báo, dự báo và theo dõi về tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn để nhân dân chủ động, có biện pháp phòng chống kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra./.

Kim Thoa

Tin cùng chuyên mục