Bà Quan Thị Nghị, thôn Bản Đồn, xã Minh Quang đang chăm sóc đàn bò của gia đình.
Thực hiện Dự án nuôi bò cái sinh sản thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị của Tiểu Dự án 2, Dự án 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn huyện Lâm Bình với mức hỗ trợ 4 con/hộ. Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thổ Bình tiến hành liên kết, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi, phòng trị bệnh, Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành bao tiêu sản phẩm. Gia đình bà Quan Thị Nghị, thôn Bản Đồn là 1 trong số 13 hộ tại xã Minh Quang được giao bò đầu năm 2024. Qua hơn 1 năm chăn nuôi đúng quy trình, từ 4 con bò đến nay đàn bò phát triển tốt và sinh sản nâng tổng số đàn bò của gia đình lên 7 con, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Toàn xã Minh Quang hiện trồng mía nguyên liệu với diện tích 155ha.
Nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững là mục tiêu hàng đầu được xã Minh Quang đẩy mạnh thực hiện thời gian qua. Trong đó, trọng tâm là phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, phù hợp với đặc thù của địa phương gắn với thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất để mang lại giá trị bền vững như: liên kết trồng mía nguyên liệu với công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương với diện tích 155ha, liên kết sản xuất lạc, dê, bò với Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thổ Bình…Nguồn lực từ các chương trình Mục tiêu quốc gia được triển khai hiệu quả để xây dựng hệ thống giao thông vận chuyển hàng hóa, dẫn vốn đến tay người dân để tạo nguồn sinh kế, giải quyết việc làm. Năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm đạt hơn 164%. Các Tổ chức Hội, đoàn thể phát động thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế, nhận được sự hưởng ứng của nhân dân.
Từ trồng mướp đã giúp các hộ dân tham gia mô hình có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã Minh Quang đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản để khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng xuất cao, đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gieo trồng đúng khung lịch thời vụ. Thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp Hợp tác xã – nông lâm nghiệp thực hiện dịch vụ tiêu thụ, bảo quản sản phẩm nông sản, dịch vụ phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng. Đẩy mạnh liên kết với các nhà doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm nông sản gắn với quảng bá sản phẩm. Là nhiệm vụ đặt ra thời gian tới để kinh tế - xã hội địa phương có bước chuyển mình, mang lại đời sống cao hơn cho người dân./.
T/h: Công Đại