Trước đây, gia đình ông Trương Phúc Thanh, thôn Nà Coóc, phải sống trong căn nhà xuống cấp, mỗi khi mưa bão gia đình lại nơm nớp lo sợ vì căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Nhưng vì là hộ nghèo, thu nhập thấp nên gia đình chưa có nguồn lực xây dựng được nhà mới. Năm 2024, được thôn bản tuyên truyền, động viên, đặc biệt được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với số tiền vay mượn từ người thân, sự hỗ trợ ngày công lao động của hàng xóm, gia đình ông đã làm được ngôi nhà mới khang trang, vững chãi. Đây chính là điểm tựa để gia đình ông Thanh nỗ lực tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh những thuận lợi, một trong những khó khăn trong triển khai xoá nhà ở tạm, dột nát ở xã Bình An đó là, một số hộ còn thiếu vốn đối ứng để làm nhà, phong tục tập quán xem tuổi, đất ở, tư tưởng chưa muốn làm nhà. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xoá nhà tạm, dột nát, với vai trò là trưởng thôn Nà Coóc, anh Cháng A An đã thường xuyên đến các hộ gia đình tuyên truyền, vận động, cũng như tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Với cách làm này, trong những năm qua, anh An đã thuyết phục được nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn làm nhà, sửa nhà đảm bảo theo đúng tiến độ.
Năm 2025, xã Bình An phấn đấu xoá 104 nhà tạm, dột nát
Để hoàn thành chỉ tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 104 hộ gia đình trong năm 2025, hiện nay, xã Bình An đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức đoàn thể, các chi bộ, thôn bản, cán bộ, đảng viên, công chức phụ trách hộ gia đình. Đồng thời, chỉ đạo giải quyết kịp thời đất ở cho các hộ gia đình. Kịp thời nắm bắt giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện xoá nhà tạm, dột nát. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc làm nhà, sửa nhà cho các hộ gia đình nâng cao nhận thức, chủ động chuẩn bị các điều kiện để làm nhà. Đồng thời, huy động đoàn viên, hội viên tham gia giúp đỡ ngày công lao động, chia sẻ, động viên các hộ gia đình làm nhà theo đúng tiến độ, kết cấu nhà ở dân cư theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, đặc biệt hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã không đơn thuần chỉ là triển khai một chủ chương, chính sách mà đây thực sự còn là một phong trào mang tính toàn dân và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được đồng tình ủng hộ cao, cũng như khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng, gia đình, làng xóm. Qua đó, nhiều gia đình đã có cơ hội được xây dựng, sửa chữa nhà ở, cải thiện đời sống. Đây là nguồn động viên rất lớn giúp hộ nghèo có thêm nghị lực tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
T/h: Thuý Phượng - Xuân Cường