Trong năm 2022, Uỷ ban nhân dân huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện và thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Lâm Bình theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh; Chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của địa phương và thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn, tổ dân phố. Toàn huyện hiện có 10 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 100 tổ cấp thôn với trên 600 thành viên.
Về thực hiện các chỉ tiêu, đến nay hầu hết lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện sử dụng thành thạo chữ ký số và các phần mềm công nghệ thông tin dùng chung liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện đến cấp tỉnh, cấp xã được ký số thay thế văn bản giấy, trừ văn bản thuộc phạm vi bí mật nhà nước và văn bản khó số hóa. 100% Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn có máy scan tài liệu, 100% cán bộ, công chức cấp xã, huyện được trang bị máy tính làm việc; 85% máy tính được cài đặt phần mềm chống mã độc, phần mềm diệt virus có bản quyền. Hạ tầng mạng nội bộ từ Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được chuẩn hóa, đảm bảo an toàn thông tin tối thiểu, đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng. Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung từng bước được hoàn thiện, kết nối. 90% nghiệp vụ chuyên môn, chuyên ngành của cơ quan nhà nước được ứng dụng công nghệ thông tin, như: Quản lý giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội.., Đảm bảo triển khai cung cấp các dịch vụ hành chính công của huyện theo hình thức trực tuyến đạt kế hoạch của tỉnh đề ra. Duy trì, nâng cấp ổn định hệ thống phòng họp trực tuyến từ huyện đến cấp xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cổng thông tin điện tử huyện được xây dựng đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của Nhà nước.
Về nâng cấp và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho Bộ phận một cửa đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); quan tâm nâng cấp, bổ sung trang thiết bị CNTT tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện và cấp xã. Hệ thống mạng số liệu chuyên dùng đã được triển khai đến 10/10 xã, thị trấn trên địa bàn; Trong năm 2022, huyện đã chủ trì và tiếp đường truyền trên 50 hội nghị trực tuyến. Hoàn thành 02/10 đài truyền thanh thông minh. Các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VneID trong việc thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.
Về ưng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc triển khai đến các cơ quan chuyên môn có TTHC, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị có TTHC đều đã thành thạo và thực hiện cập nhật xử lý các bước trong giải quyết TTHC trên hệ thống một cửa điện tử tỉnh Tuyên Quang. Công tác tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ bưu chính công ích tiếp tục được triển khai thực hiện. Trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến tỉnh Tuyên Quang, hiện nay Uỷ ban nhân dân huyện Lâm Bình đã triển khai và thực hiện. Theo thống kê trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tính từ tháng 01 năm 2022 đến tháng 12 năm 2022, Uỷ ban nhân dân huyện đã tiếp nhận và giải quyết 25.250 hồ sơ. Số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 1.973 hồ sơ. Duy trì Cổng thông tin điện tử của huyện và Trang thông tin các xã, thị trấn trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook. Trong năm 2022, Cổng thông tin điện tử của huyện đã đăng tải khoảng 1.000 tin, bài, hàng trăm hình ảnh, tài liệu, cùng nhiều lượt văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện. Công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin được quan tâm. Việc cập nhật các kiến thức về đảm bảo an toàn an ninh thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin đã được đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện thường xuyên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế nhất định, cụ thể như: Một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung theo bộ tiêu chí đánh giá mức độ xây dựng chính quyền điện tử. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin ở một số xã chưa đồng bộ; việc triển khai các giải pháp bảo mật, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại một số cơ quan đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng chưa cao. Một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ thông tin về tiếp nhận, xử lý và trả kết quả TTHC trên cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; chưa thực hiện việc đính kèm văn bản kết quả giải quyết TTHC có kí số trên hệ thống dịch vụ công để hoàn thành việc giải quyết TTHC theo quy định; chưa thực hiện việc thay đổi thông tin cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận một cửa khi thay đổi, luân chuyên cán bộ dẫn đến hồ sơ bị chậm, muộn; không tiến hành nhập đầy đủ hồ sơ TTHC vào Cổng dịch vụ công của tỉnh ngay sau khi tiếp nhận. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, chưa đồng đều; việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích chưa cao.
Tại cuộc họp các đồng chí đại biểu đã thảo luận tập trung vào các nội dung còn hạn chế như: công tác xử lý văn bản trên môi trường số, cung cấp dịch vụ công trên môi trường số. Công tác tập huấn nâng cao kỹ năng xử lý văn bản trên môi trường số. Thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng. Rà soát cơ sở vật chất vụ phục vụ công tác chuyển đổi số. Công tác tập huấn cho cán bộ, công chức, viện chức, thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng...
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số yêu cầu các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị của huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số. Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát lại, xây dựng kế hoạch có tính ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm của năm và giai đoạn cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thấm sâu vào người dân. Bố trí nguồn kinh phí thực hiện việc chuyển đổi số theo Nghị quyết đề ra.